Close

05 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VIỆN TẾ BÀO GỐC: SỰ CÂN BẰNG ĐỘNG GIỮA NGHIÊN CỨU CƠ BẢN, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, SẢN XUẤT THỰC NGHIỆM VÀ THƯƠNG MẠI CÔNG NGHỆ

05 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VIỆN TẾ BÀO GỐC: SỰ CÂN BẰNG ĐỘNG GIỮA NGHIÊN CỨU CƠ BẢN, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO,  SẢN XUẤT THỰC NGHIỆM VÀ THƯƠNG MẠI CÔNG NGHỆ

Nghiên cứu cơ bản có thể được coi là bước đầu tiên trong quá trình tạo ra tri thức hoặc sự đổi mới. Tri thức được công nhận là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Do đó, việc đảm bảo kinh phí và trợ cấp cho nghiên cứu cơ bản, duy trì và nuôi dưỡng quá trình sáng tạo, nhằm tạo ra tri thức và cải thiện chất lượng của cuộc sống là điều cần thiết. Từ nghiên cứu cơ bản (khám phá) sẽ thúc đẩy đổi mới (phát minh), cuối cùng là thương mại hóa. Lợi nhuận thu được từ thương mại hóa các phát minh sẽ đem lại sự phát triển kinh tế tri thức, sự xoay vòng kinh phí để nuôi dưỡng nghiên cứu cơ bản và cải thiện thu nhập của các nhà khoa học thông qua các quy chế về sở hữu trí tuệ. Sự cân bằng động giữa 3 yếu tố NGHIÊN CỨU – SẢN XUẤT – THƯƠNG MẠI là điều cốt yếu để giúp tạo ra thế chân vạc vững chắc và thúc đẩy cả 3 yếu tố trên cùng phát triển trong thời đại kinh tế tri thức.

Nghiên cứu cơ bản trong nền kinh tế tri thức

Trong lịch sử thế giới hiện đại, tốc độ tiến bộ công nghệ nhanh chóng đã dẫn dắt nền kinh tế nhiều quốc gia tiến lên trong hai thế kỷ qua không phải là điều hiển nhiên. Rõ ràng, sự tăng trưởng của các nền kinh tế ở các nước công nghiệp phát triển chủ yếu được thúc đẩy bởi việc theo đuổi nghiên cứu khoa học, thực hiện các giải pháp kỹ thuật sáng tạo và dòng đổi mới công nghệ liên tục. Hiện nay, nền tảng tri thức của các nền kinh tế hiện đại đã tăng lên một cách đều đặn, và khả năng sản xuất và thương mại hóa tri thức của một xã hội là rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ví dụ, nghiên cứu y sinh học đã mang lại lợi ích kinh tế và phúc lợi lớn. Sự gia tăng tuổi thọ trong thế kỷ 20 nói chung là nhờ những cải tiến về thuốc, vắc xin, kháng sinh, các phương pháp chẩn đoán tiên tiến và các đột phá điều trị y tế khác.

Tại Mỹ, vắc xin bại liệt giúp tiết kiệm 2 tỷ đô la mỗi năm, phòng ngừa gãy xương hông ở phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ loãng xương giúp tiết kiệm 333 triệu đô la mỗi năm, ghép thận, cải thiện hiệu quả và an toàn, tiết kiệm từ 360-480 triệu đô mỗi năm từ việc giảm chi phí điều trị. Điều trị ung thư tinh hoàn đã tiết kiệm mỗi năm 134,0-178,7 triệu đô la từ việc cải thiện tỷ lệ sống sót và giảm tỷ lệ tử vong sớm. Sức mạnh của nghiên cứu không chỉ được chứng minh bằng những đổi mới đơn lẻ mà còn bằng khả năng tạo ra toàn bộ các ngành công nghiệp mới, chẳng hạn như sinh học phân tử (kỹ thuật di truyền), từ đó dẫn đến các phương thức điều trị mới và sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học. Tiềm năng của những phát triển này đối với chăm sóc sức khỏe chỉ mới bắt đầu được nhận ra. Rõ ràng là các trường đại học, các viện nghiên cứu mà chính xác hơn là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kỹ sư đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Để lợi ích của nghiên cứu cơ bản trong trường đại học được thể hiện trong nền kinh tế, kiến ​​thức được tạo ra từ nghiên cứu cơ bản cần phải được chuyển hóa một cách hiệu quả thành giá trị kinh tế.

Không thể chối cãi rằng công nghệ sinh học là chìa khóa quan trọng để tạo ra công nghệ cho thế kỷ 21. Khoa học sinh học đã và đang gia tăng giá trị cho một loạt các sản phẩm và dịch vụ, mang lại lợi ích “Kinh tế sinh học” và mang lại tiềm năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế sinh học sẽ bị ảnh hưởng bởi sự hỗ trợ nghiên cứu từ cộng đồng, các quy định và quyền sở hữu trí tuệ. Ngành công nghệ sinh học đã nổi lên như một lĩnh vực tăng trưởng chính trong ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1970, thị trường công nghệ sinh học đã cho thấy sự phát triển vượt bậc, đạt khoảng 128 tỷ đô la vào năm 2009 (Niên giám Công nghệ Sinh học, 2010). Ngày nay, có hơn 250 dược phẩm sinh học và vắc xin, với hàng trăm loại khác đang được triển khai.

Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu tại Viện Tế bào gốc

Viện Tế bào gốc, với nội lực nghiên cứu dày dặn trong 5 năm qua, với nhiều kết quả nghiên cứu đã tích lũy có tiềm năng thương mại, đã thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Sản xuất Thực nghiệm để chủ động sản xuất thử nghiệm các kết quả nghiên cứu có tiềm năng. Những sản phẩm từ nghiên cứu được thương mại hóa đã mang lại những nguồn thu tài chính, giúp Viện có thể chủ động đầu tư trở lại cho những nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

Thật vậy, kể từ khi thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Sản xuất Thực nghiệm, Viện Tế bào gốc đã cho ra đời nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học cao dựa vào các kết quả nghiên cứu từ chính các nhà khoa học của Viện để đưa vào phục vụ các nhu cầu trong cuộc sống. Ngoài các sản phẩm như môi trường nuôi cấy tế bào gốc trung mô, các sản phẩm như thuốc tế bào gốc, mỹ phẩm tế bào gốc đều được nghiên cứu và phát triển tại Viện Tế bào gốc, đã trở thành sản phẩm độc quyền và chuyển giao thành công cho nhiều đơn vị bệnh viện, cơ sở điều trị và thẩm mỹ trong ngoài nước.

Từ những nguồn thu nhờ việc thương mại hóa sản phẩm, Viện Tế bào gốc đã và đang cố gắng để có thể tự thân chủ động nguồn lực tài chính, nuôi dưỡng những nghiên cứu cấp cơ sở. Những nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào cải tiến chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, và tạo ra những ý tưởng để phát triển sản phẩm mới. Ngoài ra, việc thương mại hoá sản phẩm từ những nghiên cứu cơ bản của các nhà khoa học tại Viện Tế bào gốc cũng giúp cải thiện nguồn thu nhập cho cán bộ nhân viên của đơn vị. Với quy chế sỡ hữu trí tuệ của Viện Tế bào gốc, các nhà khoa học sẽ được chi trả chiết khấu cho các sản phẩm được thương mại hoá thành công. Đây cũng là phần thưởng cũng như khuyến khích sự cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học làm việc tại đây.

Như vậy, thế chân vạc Nghiên cứu – Sản xuất – Thương mại đã giúp Viện Tế bào gốc tự chủ tài chính để nuôi dưỡng và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu. Nghiên cứu đổi mới sáng tạo là bộ xương, là linh hồn của một tổ chức nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu cơ bản có thể được coi là bước đầu tiên trong quá trình tạo ra tri thức hoặc quá trình đổi mới. Sản xuất và thương mại hoá các kết quả nghiên cứu cũng giống như dòng máu chảy trong huyết mạch quay trở lại nuôi dưỡng và làm phát triển những nghiên cứu cơ bản cũng như đội ngũ thực hiện. Sự cân bằng động giữa 3 yếu tố trên đã giúp cho Viện Tế bào gốc ngày càng trưởng thành và lớn mạnh trong dòng chảy của nền kinh tế trí thức thời đại 4.0.

Nguyễn Trường Sinh; Trương Châu Nhật

Viện Tế bào gốc là cơ sở khoa học công nghệ tự chủ tài chính trực thuộc trường ĐH KHTN theo quyết định số 360/KHCN do Hiệu trưởng trường ĐH KHTN kí ngày 12.06.2017. Trải qua 5 năm hình thành và phát triển, Viện Tế bào gốc đã từng bước khẳng định được uy tín trong việc theo đuổi sứ mạng nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tế bào gốc với trọng tâm là y học tái tạo, góp phần vào phát triển và ứng dụng y học tái tạo cho đất nước.
2022 – Viện Tế bào gốc chào mừng 05 năm thành lập với chủ đề “Rising to the challenge – Vượt lên thử thách” để cùng nhìn lại hành trình xây dựng và phát triển trong suốt thời gian qua.

Được học tập và nghiên cứu tại Viện Tế bào gốc là một trong những điều may mắn nhất của mình. Viện đã cho mình cơ hội được học tập với người thầy rất tuyệt vời, cho mình gia đình thứ hai, cho mình rất nhiều kỉ niệm đẹp.

Nguyễn Thị Trà My
Nguyễn Thị Trà MySinh viên năm học 2019 - 2020

Cảm ơn Viện Tế bào gốc đã cho em cơ hội được học tập và làm việc tại đây.

Nguyễn Hồ Thảo Nguyên
Nguyễn Hồ Thảo NguyênSinh viên năm học 2019 - 2020

Cảm ơn Viện Tế Bào Gốc_ ngôi nhà thân thương, ấm áp đã cho em nhiều kỉ niệm đẹp và chỉ dạy em những bài học quý giá_ tất cả sẽ theo em trên chặn đường sau này! Chúc cho Viện ngày một thành công và phát triển !

Phạm Thị Thùy Linh
Phạm Thị Thùy LinhSinh viên nhóm tín hiệu tế bào ung thư