Close

Viện Tế bào gốc xây dựng ngân hàng tế bào phục vụ cho nghiên cứu (SCI Cellbank)

Viện Tế bào gốc xây dựng ngân hàng tế bào phục vụ cho nghiên cứu (SCI Cellbank)

Tế bào là đơn vị nhỏ nhất của sự sống; do đó, tế bào đã trở thành đối tượng quan trọng trong nghiên cứu in vitro. Việc sử dụng tế bào, đặc biệt tế bào người và động vật, trong các nghiên cứu đánh giá, kiểm nghiệm, khảo sát tác động của thuốc, dược chất, chất thử, phương pháp mới lên sự thay đổi các đặc điểm sinh học của tế bào đã trở thành một kĩ thuật thường quy và phổ biến trong nhiều phòng thí nghiệm (PTN) về y-sinh học. Tuy nhiên, chất lượng tế bào sử dụng trong các nghiên cứu, đánh giá này vẫn chưa được các PTN kiểm soát và đảm bảo chất lượng cho các lần đánh giá. Do đó, các kết quả đánh giá không ổn định cao giữa các lần đánh giá. Viện Tế bào gốc thành lập SCI Cellbank với mục đích thiết lập, xác thực và đảm bảo chất lượng các dòng tế bào người và động vật để phục vụ cho các nghiên cứu của Viện và cung cấp nguồn tế bào này cho các nghiên cứu khác ở Việt Nam và trên thế giới.

Trong thế kỉ 21 và kỉ nguyên công nghệ 4.0, khoa học công nghệ nói chung và công nghệ y sinh nói riêng đang là mũi nhọn hàng đầu cho động lực phát triển toàn xã hội. Khoa học nghiên cứu và ứng dụng về tế bào trở thành trung tâm của các lĩnh vực như y học tái tạo, chẩn đoán và điều trị ung thư, các cơ chế của gen và di truyền học. Các công trình nghiên cứu xuất sắc, có độ tinh cậy cao là bước đầu quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ liên quan tế bào này. Tuy nhiên trong nghiên cứu y sinh hiện nay, nguồn tế bào không được đồng nhất, thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến rất nhiều công trình nghiên cứu không thể lặp lại. Trong một khảo sát được Barker và cộng sự công bố trên tạp chí Nature vào năm 2016 đã chỉ ra hơn 70% trong tổng số 1576 nhà khoa học được khảo sát không thể lặp lại được kết quả của những người khác và hơn một nửa trong số đó không thể lặp lại kết quả của chính họ.

Việc thành lập các ngân hàng về tế bào với các tiêu chuẩn cơ bản đã được nhiều nước trên thế giới tiến hành, ví dụ, The American Type Culture Collection (ATCC), The European Collection of Authenticated Cell Cultures (ECACC). Các nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm về y sinh học ở Việt Nam cũng rất khó khăn trong việc lặp lại thí nghiệm khi không có một ngân hàng lưu tế bào được chuẩn hóa nhằm đảm bảo sự ổn định, đồng nhất của các lần thí nghiệm lặp lại. Trong đó, nguồn tế bào ban đầu này là tế bào, mô, hoặc gen được kiểm soát đầu vào, xác định các biểu hiện đặc trưng và biến đổi để phù hợp với các nghiên cứu. Ngoài ra, ngân hàng lưu trữ tế bào có thể phát triển, biến đổi các đặc tính của tế bào gốc ban đầu để làm đa dạng hơn nguồn tế bào có thể cung cấp.

Theo đó, để nghiên cứu khoa học của Viện Tế bào gốc và của quốc gia phát triển, cần phải thành lập và duy trì ngân hàng tế bào SCI Cellbank (SCI-CB), phản ánh đúng bản chất cần thiết phải có của ngân hàng này là:

  • Đảm bảo Nguồn tế bào tốt, ổn định, rõ ràng về nguồn gốc và luôn được lưu lại để sử dụng lặp lại sau đó.
  • Đảm bảo Nguồn tế bào đa dạng, biến đổi phù hợp với nghiên cứu khoa học ở điều kiện hiện tại của Viện Tế bào gốc và đất nước.

Mỗi năm, trên toàn quốc thực hiện hàng trăm công trình nghiên cứu y sinh nhất là trong lĩnh vực tế bào gốc. Thực tế cho thấy, mỗi nhóm nghiên cứu sẽ tự tìm nguồn tế bào đặc biệt là các nguồn tế bào thu nhận từ nuôi sơ cấp. Tuy nhiên, các nghiên cứu ngay từ đầu đã gặp khó khăn trong việc có được tế bào tế bào. Nguyên nhân chủ yếu có thể là:

  • Nguồn tế bào ban đầu khác nhau về chất lượng, số lượng, thậm chí là từ nhiều người khác nhau.
  • Trình độ của người thu nhận, nuôi cấy khác nhau dẫn đến tế bào sau khi thu nhận được có những đặc điểm không tương đồng
  • Điều kiện thực hiện khác nhau như dụng cụ, thiết bị sẽ tác động đến kết quả sau khi thu nhận được tế bào.
  • Nguồn tế bào rất ít và khó có thể nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài. Tế bào từ nước ngoài nhập về Việt Nam có giá thành rất cao và thời gian thường chậm trễ.
  • Các dòng tế bào nước ngoài hoặc thương mại đôi khi không phản ánh chính xác đáp ứng như các tế bào được phân lập từ mô trong nước.

Vì thế, các nghiên cứu y sinh luôn bị hạn chế trong vài dòng tế bào, lặp lại thí nghiệm khó khăn, biến động lớn, thậm chí không thể lặp lại thí nghiệm. Từ đó có thể thấy việc thành lập SCI-CB là cần thiết để thúc đẩy các nghiên cứu khoa học trong nước và Viện Tế bào gốc phát triển hơn, chính xác hơn.

Hơn thế nữa, sự phát triển của SCI-CB nhắm đến cung cấp nguồn mô toàn quốc sẽ là cầu nối chia sẽ nguồn tế bào giúp phát triển các thành tựu khoa học y sinh của các nghiên cứu trên khắp cả nước, là động lực nâng tầm uy tín cũng như trình độ Viện Tế bào gốc.

Do vậy, việc thành lập một ngân hàng lưu trữ và cung cấp tất cả các tế bào trong thí nghiệm cho Viện tế bào gốc và hướng đến cung cấp, chia sẽ nguồn tế bào cho các đơn vị ngoài là rất cần thiết. Vì vậy, sự ra đời của SCI Cellbank (SCI-CB) mang theo sứ mệnh góp phần phát triển khoa học trong nghiên cứu y sinh ở cấp Viện, quốc gia, khu vực và thế giới.

Đỗ Minh Nghĩa

Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM

Thời gian học tập tại Viện rất tuyệt vời và đáng nhớ ạ.

Nguyễn Thị Thiên NgaSinh viên năm học 2022-2023, 2023-2024

Em rất vui vì đã tham gia Viện tế bào gốc với tư cách là sinh viên nghiên cứu. Em cám ơn quý Thầy Cô của Viện đã luôn quan tâm, giúp đỡ chúng em thực hiện khoá luận tốt nghiệp này.

Phạm Nguyễn Thảo NhiSinh viên năm học 2023-2024

Khoá học cung cấp cho chúng em nhiều kiến thức về các tình huống thực tế và cách xử lý khi gặp các vấn đề trong quá trình nuôi cấy tế bào.

Các giảng viên hướng dẫn phần thực hành tận tậm và điều chỉnh các thao tác thực hành của em đúng kỹ thuật và chuẩn xác hơn.

Phan Thị Thanh Loan
Sinh viên Phan Thị Thanh Loan - Giải 3 cuộc thi SCI#7Học viên khoá "Kỹ thuật nuôi cấy tế bào động vật cơ bản"