1. LỄ KHAI MẠC: KHỞI ĐẦU HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO
Sáng ngày 15/12/2024, vòng Chung kết cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc lần thứ 9 (Stem Cell Innovation 2024) đã chính thức khai mạc tại Nhà Văn hoá sinh viên, khu đô thị ĐHQG-HCM.
Sự kiện vinh dự đón tiếp:
- Thầy Phan Kim Ngọc – Cố vấn khoa học Viện Tế bào gốc.
- PGS.TS. Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Trưởng Ban Giám khảo.
- TS. Nguyễn Trường Sinh – Trưởng phòng Khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ, Viện Tế bào gốc.
- ThS. Nguyễn Hoàng Nhật Trinh – Trưởng Ban tổ chức cuộc thi.
- Bà Trần Hồng Bảo Quyên – Marketing leader, BD Life Sciences, Đại diện các nhà tài trợ cuộc thi.
- Cô Bùi Thị Hồng Hạnh – Giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (Đồng Tháp).
- Cô Nguyễn Cảnh Hải Khanh – Giáo viên trường THCS & THPT Đinh Thiện Lý.
- Thầy Đặng Đức Long – Giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ, Viện NC&ĐT Việt-Anh, Đại học Đà Nẵng.
Cùng sự hiện diện của báo đài đưa tin bao gồm báo VnExpress, Đài truyền hình HTV và hơn 200 cổ động viên, quý thầy cô và phụ huynh đã đến tham dự và chứng kiến hành trình tranh tài hấp dẫn của TOP 10 cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc.
Sân khấu hoành tráng của lễ khai mạc là điểm khởi đầu cho hành trình chinh phục tri thức khoa học, nơi các thí sinh mang đến những ý tưởng đầy tiềm năng và sáng tạo trong lĩnh vực tế bào gốc với chủ đề Tế bào gốc và lão hoá.
2. QUÁ TRÌNH THI ĐẤU: KIẾN THỨC VÀ Ý TƯỞNG SÁNG TẠO ĐƯỢC TỎA SÁNG
Với chủ đề cuộc thi năm nay: “Tế bào gốc và lão hóa”, cuộc thi tập trung vào các giải pháp giúp con người sống khỏe mạnh, trường thọ thông qua ứng dụng tế bào gốc.
Cuộc thi năm nay đã thu hút 317 đội thi với gần 850 thí sinh từ 46 đơn vị trường đại học và THPT trên cả nước. Sau nhiều vòng loại gắt gao, 10 đội xuất sắc nhất đã bước vào vòng Chung kết để trình bày những ý tưởng sáng tạo vượt trội trước Hội đồng Giám khảo.
Hội đồng Giám khảo năm nay gồm các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực để đánh giá toàn diện ý tưởng của đội thi:
- PGS.TS. Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc – Đánh giá về khoa học và công nghệ.
- PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐHQG-HCM – Đánh giá tác động kinh tế.
- BS.CKII Nguyễn Tôn Ngọc Huỳnh, Phó giám đốc bệnh viện quốc tế DNA – Đánh giá tác động y tế.
- Nhà báo ThS. Phan Kim Sơn, tổng thư ký toà soạn Tạp chí Thuốc và Sức khoẻ, Hội dược học Việt Nam – Đánh giá tác động xã hội.
- Ông Nguyễn Hồ Hoài Nam, Trưởng phòng dịch vụ Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao, Ban quản lý Khu Công nghệ cao – Đánh giá tính khả thi đầu tư.
Các đội thi đã lần lượt thuyết phục Ban Giám khảo bằng sự sáng tạo, kiến thức sâu rộng và khả năng áp dụng thực tế của mình.
3. LỄ BẾ MẠC & TRAO GIẢI: VINH DANH NHỮNG Ý TƯỞNG ĐỘT PHÁ
Chiến thắng cao nhất thuộc về đội Xcell, gồm ba nữ sinh lớp 11:
- Đặng Thiên Hương (trường Đinh Thiện Lý, TP.HCM).
- Mai An (trường Quốc tế Bắc Mỹ, Đồng Nai).
- Nguyễn Vũ Hà Anh (trường Quốc tế Canada, TP.HCM).
Dự án đạt giải nhất: Ứng dụng tế bào gốc phục hồi mắt bị đục thủy tinh thể, đã đạt giải thưởng 30 triệu đồng.
Ý tưởng của nhóm sử dụng tế bào gốc từ phôi thai người để tạo thủy tinh thể tự nhiên, hướng đến giải pháp phục hồi chức năng thị giác và hỗ trợ bệnh nhân thoái hóa thị giác. Để khắc phục thách thức về đạo đức y học, nhóm đề xuất sử dụng tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPSC), phương pháp đã đoạt giải Nobel 2012.
Giải nhì (20 triệu đồng):
Nhóm sinh viên Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM với dự án Nano-công thức kết hợp curcumin và exosome từ tế bào gốc thần kinh cảm ứng để hỗ trợ điều trị Alzheimer.
Giải ba (10 triệu đồng):
Nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM với dự án Ứng dụng scaffold tự biến đổi, nano thông minh và chỉnh sửa gen trên tế bào gốc trung mô trong điều trị thoái hóa sụn khớp.
Các giải khuyến khích: Trị giá 2 triệu đồng, trao cho các ý tưởng xuất sắc khác như:
- Ứng dụng tế bào gốc trị bệnh đái tháo đường, suy thận mạn tính.
- Phục hồi thính lực, cải thiện lão hóa đường ruột.
4. Ý NGHĨA VÀ TẦM NHÌN TƯƠNG LAI
Cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc 2024 đã khẳng định vai trò là một sân chơi khoa học đỉnh cao, giúp học sinh và sinh viên tiếp cận các kiến thức tiên tiến, phát huy khả năng sáng tạo và kỹ năng nghiên cứu.
Với tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng, cuộc thi không chỉ khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học mà còn tạo điều kiện để các dự án tiềm năng được hỗ trợ phát triển thông qua hợp tác với các trung tâm ươm tạo, doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu.
Hãy cùng chờ đón những bước tiến mới của các đội thi và sự trở lại của Stem Cell Innovation 2025, tiếp tục hành trình chinh phục tri thức và đổi mới sáng tạo.
Leave a Reply