Author: Phuc Pham-Van

  • CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT TẾ BÀO GỐC TRUNG MÔ TỪ MÔ DÂY RỐN NGƯỜI – CÔNG NGHỆ UC-SCI

    CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT TẾ BÀO GỐC TRUNG MÔ TỪ MÔ DÂY RỐN NGƯỜI – CÔNG NGHỆ UC-SCI

    Công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô từ  mô dây rốn người (UC-SCI) của Viện Tế bào gốc là công nghệ toàn diện và đồng độ cho sản xuất tế bào gốc quy mô nhỏ (trong chai nuôi cấy) và lớn (trong bioreactor).

    • Đồng bộ từ khâu thu nhận dây rốn đến khâu nuôi cấy sơ cấp, nuôi cấy tăng sinh và bảo quản tế bào gốc trung mô sau khi tăng sinh
    • Sử dụng dung dịch vận chuyển mô, môi trường nuôi cấy và môi trường bảo quản chuyên dụng
    • Quy trình được chuẩn hoá với hiệu suất và năng suất cao,  tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất và rút ngắn thời gian sản xuất tối đa
    • Quy trình công nghệ thực hành theo các hướng dẫn của GMP-WHO cho sinh phẩm.

    Sản phẩm tế bào gốc thu thu từ công nghệ UC-SCI đã được cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh đái tháo đường.

    Quy trình:

    Bước 1: THU – VẬN CHUYỂN DÂY RỐN

    Dây rốn sau khi thu được có thể bảo quản trong Transfering Medium

    Bước 2: RỬA DÂY RỐN

     Tại PTN, dây rốn được rửa sạch máu bằng Washing Buffer

    Bước 3: TÁCH MẠCH MÁU VÀ THU MÔ

    Bước 4: NUÔI CẤY SƠ CẤP

    Nuôi cấy sơ cấp bằng môi trường MSCCult I Primary

    Bước 5: TĂNG SINH

    Tăng sinh bằng Deattachment và MSCCult hoặc MSCCult I

    Bước 6: TĂNG TÍN HIỆU ĐIỀU BIẾN MIỄN DỊCH (TÙY CHỌN)

    Sử dụng ImmunoAdd

    Bước 7: TĂNG KHẢ NĂNG TIẾT (TÙY CHỌN)

    Sử dụng SecretoAdd

    Bước 8: BẢO QUẢN

    Sử dụng Cryosave I, II, III

    CÁC SẢN PHẨM CHÍNH SỬ DỤNG TRONG QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ

    MSCCULT I PRIMARY

    Là môi trường chuyên biệt cho nuôi cấy sơ cấp tế bào gốc từ dây rốn

    Sản phẩm hoàn toàn vô trùng, sẵn sàng sử dụng Quy trình đơn giản, thời gian thu nhận tế bào nhanh chóng

    MSCCULT I

    Là môi trường chuyên biệt cho nuôi cấy tăng sinh tế bào gốc từ mô dây rốn,

    Không dung huyết thanh bò, không dùng protein từ động vật, dễ sử dụng, không cần coating

    Đảm bảo vô trùng tuyệt đối

    CRYOSAVE

    Là môi trường bảo quản tế bào với 3 thế hệ sản phẩm (Cryosave I, Cryosave II, Cryosave III) phù hợp cho mục đích nghiên cứu và sản xuất.

    Vô trùng tuyệt đối, sẵn sàng sử dụng

    Hiệu quả bảo quản tế bào cao, tỷ lệ tế bào sống sau giải đông tối ưu

    Các nghiên cứu sử dụng công nghệ UC-SCI:

    1/ Le Thi Bich, P., Nguyen Thi, H., Dang Ngo Chau, H. et al. Allogeneic umbilical cord-derived mesenchymal stem cell transplantation for treating chronic obstructive pulmonary disease: a pilot clinical study. Stem Cell Res Ther 11, 60 (2020). https://doi.org/10.1186/s13287-020-1583-4

    2/ Pham, P., Vu, N., Nguyen, H., & Phan, N. (2016). Isolation of endothelial progenitor cells from human adipose tissue. Biomedical Research and Therapy, 3(05), 645-652. https://doi.org/10.15419/bmrat.v3i05.98

    3/ Dao T.TT. et al. (2017) In Vitro Production of Cartilage Tissue from Rabbit Bone Marrow-Derived Mesenchymal Stem Cells and Polycaprolactone Scaffold. In: Pham P. (eds) Tissue Engineering and Regenerative Medicine. Advances in Experimental Medicine and Biology, vol 1084. Springer, Cham

    Quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng của UC-SCI

    figure2

    Phòng Thông tin Truyền thông và Tổ chức Sự kiện Viện Tế Bào Gốc

  • Cấy ghép tế bào gốc trung mô đồng loài để điều trị bệnh thiếu máu không tái tạo: một nghiên cứu phase II đa trung tâm

    Thiếu máu không tái tạo (Aplastic anemia – AA) là chứng suy tủy xương được đặc trưng bởi chứng giảm tủy và cạn kiệt các tế bào tiền thân tạo máu. Quá trình phá hủy các tế bào tiền thân tạo máu qua trung gian miễn dịch đã được khẳng định bằng các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và liệu pháp điều trị miễn dịch (IST). IST được chấp nhận như là phương án điều trị đầu tiên cho AA. Tuy nhiên, 30% – 40% bệnh nhân thiếu máu thiếu máu trầm trọng (Severve AA – SAA) vẫn tiếp tục bị bệnh sau điều trị IST. Khoảng 20% ​​bệnh nhân thiếu máu không rõ nguyên nhân trầm trọng (NSAA) phụ thuộc vào truyền máu và cuối cùng biến thành SAA.

    Bệnh nhân có SAA thường kháng IST hoặc những người có tái phát sau khi IST có thể trải qua cấy ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại (HSCT). Tuy nhiên, khoảng một phần ba bệnh nhân không tìm thấy mẫu tế bào gốc tạo máu phù hợp cho HSCT. Bệnh nhân> 50 tuổi không đủ điều kiện để cấy ghép. Sau khi theo dõi HSCT, có thể xảy ra các biến chứng như bệnh mảnh ghép chống kí chủ (GVHD). Tỷ lệ sống sau 5 năm (OS) của bệnh nhân với AA là đáp ứng với IST <60%.

    Tế bào gốc trung mô có nguồn gốc từ tủy xương (BM-MSCs), như các thành phần tế bào nền quan trọng của tủy xương, có thể hỗ trợ quá trình tạo máu và là các tế bào gốc đa năng mà có thể biệt hoá thành nhiều loại tế bào khác nhau.

    BM-MSC biểu hiện MHC -I thấp nhưng không có biểu hiện của các phân tử trên bề mặt MHC-II; do đó, truyền tĩnh mạch BM-MSC có thể tiến hành vì tế bào có thể lẩn trốn miễn dịch. MSC cũng biểu hiện các chất ức chế protease để né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể. BM-MSCs có tác dụng điều hòa miễn dịch đối với tế bào lympho đã hoạt hóa, bao gồm tế bào T, tế bào B, tế bào giết tự nhiên, và các tế bào tua.

    Trên cơ sở dữ liệu trước đây, các tác giả đã tiến hành nghiên cứu nhiều pha không đối chứng và đa trung tâm để đánh giá hiệu quả và sự an toàn của BM-MSC ở những bệnh nhân AA.

    74 bệnh nhân từ 7 trung tâm đã nhận BM-MSC với liều 1-2  triệu tế bào/kg mỗi tuần trong 4 tuần. Các phản ứng được đánh giá ở mức 0,5, 1, 2, 3, 6, 9, và 12 tháng sau khi truyền tế bào đầu tiên. Bệnh nhân đáp ứng ở 1 tháng tiếp tục nhận được 4 lần truyền.

    Tỷ lệ đáp ứng tổng thể là 28,4% (khoảng tin cậy 95%, 19% -40%), đáp ứng hoàn toàn 6,8% và đáp ứng một phần là 21,6%. Sau thời gian theo dõi trung bình 17 tháng, tỷ lệ sống sót chung là 87,8%. Bảy bệnh nhân bị nhức đầu nhẹ và sốt nhẹ, nhưng không thấy có các phản ứng phụ khác.

    Kết quả này cho thấy rằng ghép MSC đồng loài là phương pháp mới an toàn, hiệu quả để điều trị bệnh nhân AA không đáp ứng liệu pháp miễn dịch.

    (Phạm Vũ)

    Tham khảo:

    http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/sctm.16-0227/abstract

  • Buồng trứng được tạo ra từ công nghệ in 3D có thể phục hồi khả năng sinh sản trên chuột

    Bây giờ bạn có thể in các cơ quan bằng công nghệ in 3D. Trên thực tế, các cấu trúc buồng trứng có thể được in theo cách tương tự để tạo ra một buồng trứng giống thiết kế của buồng trứng thật. Một nghiên cứu được thực hiện tại Trường Y khoa Feinberg, Trường Kỹ thuật McCormick, thuộc Trường Đại học Northwestern, đã cho thấy buồng trứng chuột từ công nghệ in 3D có thể phục hồi sinh sản ở chuột. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.

    Buồng trứng và chuột được sinh ra từ chuột mẹ cấy buồng trứng nhân tạo từ công nghệ in 3D.


    Làm thế nào buồng trứng in 3D  có thể sinh sản?

    Buồng trứng của chuột cái được thay thế bằng buồng trứng in 3D. Chuột sau đó có thể rụng trứng và thậm chí sinh con. Chuột mẹ cũng có thể nuôi con. Các buồng trứng sinh lý được xây dựng với giàn giáo in 3D chứa trứng chuột chưa trưởng thành. Những buồng trứng này đã tăng sản xuất hoocmon và phục hồi khả năng sinh sản.

    Tại sao nghiên cứu này là quan trọng?

    Nghiên cứu này chứng minh rằng buồng trứng in 3D có chức năng như buồng trứng bình thường. Nếu điều này thành công trên người sẽ trở thành một bước tiến mới. Nhu cầu sử dụng xác chết lấy cơ quan để khôi phục các mô khỏe mạnh ở bệnh nhân sẽ không cần thiết. Đây là bước đột phá của các nhà khoa học y học tái tạo.

    Tại sao nghiên cứu này độc đáo?

    Nghiên cứu này khác với nghiên cứu của các phòng thí nghiệm khác vì thiết kế của giá thể (scaffold) và vật liệu (mực in) được đánh giá cao. Vật liệu được làm từ gelatin, hydrogel sinh học được tạo ra với collagen an toàn để sử dụng ở người. Nhóm nghiên cứu biết rằng giá thể phải bao gồm vật liệu hữu cơ đủ rắn để được xử lý trong phẫu thuật và đủ xốp để tương tác với các mô cơ thể. Họ sử dụng một gelatin tự hỗ trợ và có khả năng xây dựng một vài lớp. Sự hỗ trợ này làm cho các nang trứng và tế bào trứng xung quanh tế bào trứng chưa trưởng thành có thể tồn tại trong buồng trứng. Tóm lại, đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy cấu trúc giá thể tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa trong sự sống còn của nang trứng. Điều này sẽ không thể xảy ra nếu không có máy in 3D.


    Phương pháp nghiên cứu cho con người

    Mục tiêu chính của các nhà khoa học trong việc tạo ra buồng trứng là thay đổi hoocmon và khả năng sinh sản ở những phụ nữ đã từng trải qua các phương pháp điều trị ung thư và người có nguy cơ vô sinh cao.

    Giá thể được sử dụng trong nghiên cứu này nhằm mục đích mô tả cách thức mà buồng trứng hoạt động. Nó có thể phục vụ mục đích này từ tuổi dậy thì, vào tuổi trưởng thành, mãn kinh và hơn thế nữa.

    (Phạm Vũ)

    Đọc thêm tại:

    https://www.nature.com/articles/ncomms15261

  • RMAT: Quy chế mới trong cấp phép sản phẩm y học tái tạo ở Mĩ: một cơ hội mới cho tế bào gốc của Mĩ

    Lĩnh vực y học tái tạo bao gồm một loạt các sản phẩm sáng tạo, tiên tiến bao gồm liệu pháp tế bào, các sản phẩm kỹ thuật mô, các tế bào, mô tế bào và các sản phẩm kết hợp các liệu pháp này. Ví dụ như các liệu pháp tế bào biến đổi gen, chẳng hạn như các tế bào CAR-T và các mô của con người được tạo ra từ công nghệ mô sử dụng tế bào gốc. Những sản phẩm này hứa hẹn rất lớn trong việc giải quyết các nhu cầu y tế. Ví dụ, dữ liệu từ một số nghiên cứu đã công bố khác nhau cho thấy tiềm năng của các tế bào CAR-T trong việc điều trị một số loại ung thư máu tái phát.

    Ông Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Chế phẩm Sinh học tại FDA, Hoa Kì.

    Nhận thức tầm quan trọng của lĩnh vực này, Quốc hội Mĩ đã đưa ra một số điều khoản liên quan đến y học tái tạo trong Đạo luật Chữa trị Thế kỷ 21 (21st Century Cures Act), được ký kết vào ngày 13 tháng 12 năm 2016. Trên cơ sở các chương trình khẩn cấp hiện có của FDA dành cho các sản phẩm thuốc tái tạo, một chương trình mới nhằm giúp thúc đẩy sự phát triển và sự chấp thuận của các sản phẩm y học tái tạo là: Chỉ định liệu pháp tiên tiến Y học tái tạo (Regenerative Medicine Advanced Therapy (RMAT) Designation – RMAT).

    Các công ty sản xuất các liệu pháp tế bào, sản phẩm mô tế bào trị liệu, sản phẩm mô tế bào và sản phẩm mô của con người, và các sản phẩm kết hợp nhất định có thể đăng kí Chỉ định RMAT cho sản phẩm của họ nếu thuốc được dùng để điều trị các bệnh hoặc các điều kiện nguy hiểm hoặc đe dọa đến mạng sống và nếu có sơ bộ bằng chứng lâm sàng chỉ ra rằng thuốc đó có khả năng đáp ứng các nhu cầu y tế mà chưa được đáp ứng cho bệnh hoặc tình trạng đó bởi các phương pháp hiện tại.

    Các công ty sản xuất các sản phẩm được chỉ định RMAT có thể hội đủ điều kiện cho các tương tác với FDA. Ngoài ra, họ có thể đủ điều kiện để được xem xét ưu tiên và nhanh chóng phê duyệt.


    Sau khi được chấp thuận, khi thích hợp, FDA có thể cho phép thực hiện các yêu cầu sau khi phê duyệt theo sự chấp thuận nhanh chóng thông qua việc nộp bằng chứng lâm sàng, nghiên cứu lâm sàng, đăng ký bệnh nhân, hoặc các nguồn bằng chứng thực tế khác như hồ sơ sức khoẻ; thông qua việc thu thập các tập dữ liệu xác nhận lớn hơn; Hoặc thông qua giám sát sau khi chấp thuận của tất cả các bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp trước khi phê duyệt.

    Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá sinh học của FDA cam kết giúp đỡ các liệu pháp tiên tiến về y học tái tạo được chứng minh là an toàn và có hiệu quả càng sớm càng tốt, đặc biệt đối với bệnh nhân bị bệnh hoặc điều kiện đe dọa đến mạng sống hoặc điều kiện thiếu các lựa chọn điều trị khác.
     

    Điều cần lưu ý rằng RMAT không tương đương FDA. Nó là một bước tiến mới trong quản lí để các sản phẩm y học tái tạo và tế bào gốc có thể được chấp thuận đưa vaào ứng dụng.

    Sau vài tháng RMAT có hiệu lực, đã có ít nhất 03 sản phẩm đã được RMAT cấp phép để sử dụng bao gồm:

    • Humancyte
    • Enzyvant
    • jCyte

    (Phạm Vũ)

  • Thiếu vitamin A sẽ làm mất dần tế bào gốc

    Các nhà khoa học đã xác định được một chất chuyển hóa vitamin A gọi là acid retinoic có vai trò rất quan trọng đối với quá trình kích hoạt và bất hoạt tế bào gốc. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức đã phát hiện ra thiếu hụt vitamin A có thể gây hại cho tế bào gốc máu. Kết quả nghiên cứu này công bố trên tạp chí danh giá Cell

    Các tế bào chuyên biệt trên da, ruột hoặc máu có tuổi thọ ngắn và cần được bổ sung đầy đủ, liên tục trong suốt quá trình sống. Chúng xuất phát từ tế bào gốc trưởng thành phân chia liên tục và biệt hoá.

    Trong năm 2008, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một nhóm các tế bào gốc đặc biệt trong tủy xương hầu như không hoạt động và chỉ trở nên hoạt động để chống lại sự nhiễm khuẩn hoặc virut, hay mất máu trầm trọng hoặc là phản ứng với hóa trị liệu. Khi công việc của chúng được thực hiện xong, các tế bào gốc này  trở lại “ngủ đông”.

    Các nhà nghiên cứu đã xác định được cơ chế kích hoạt và bất hoạt các tế bào gốc. Họ tìm thấy acid retinoic, một chất chuyển hóa vitamin A rất quan trọng đối với quá trình này. Khi thiếu axit retinoic, các tế bào gốc hoạt động không thể trở lại trạng thái không hoạt động cũng như biệt hoá trở thành tế bào máu chuyên biệt.

    Trong các nghiên cứu trên chuột nhắt, các nhà nghiên cứu nhận thấy các tế bào gốc bị mất đi trong ổ lưu trữ (nich) nếu thiếu axit retinoic.

    Nina Cabezas-Wallscheid, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nếu chúng ta cho những con chuột ăn một chế độ ăn thiếu vitamin A trong một thời gian, điều này dẫn đến sự mất tế bào gốc. Như vậy, lần đầu tiên chúng ta có thể chứng minh rằng vitamin A có ảnh hưởng trực tiếp đến tế bào gốc máu.”

    Nghiên cứu này làm sáng tỏ những nghiên cứu trước đây cho thấy thiếu hụt vitamin A làm suy yếu hệ miễn dịch.

    Cabezas-Wallscheid cho biết: “Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc cung cấp đủ vitamin A từ chế độ ăn uống cân bằng rất quan trọng đến mức nào.

    Các nhà nghiên cứu hy vọng những phát hiện này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị ung thư bởi vì các tế bào ung thư, như các tế bào gốc, đang trong trạng thái ngủ yên và sự trao đổi chất của chúng hoàn toàn bị đóng lại, khiến chúng có khả năng kháng hóa chất.

    (Phạm Vũ)

    Nguồn: DOI: http://dx.doi.org/10.1016/j.cell.2017.04.018

  • Ghép tế bào gốc trung mô có thể làm giảm tần suất co giật ở bệnh nhân động kinh

    Động kinh là một nhóm các tình trạng thần kinh, đặc trưng bởi cơn co giật do hoạt động thần kinh vỏ não quá mức và bất thường và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trên toàn thế giới. Số lượng thuốc chống động kinh gia tăng và sự kết hợp của chúng nhằm mục đích ngăn chặn các kênh natri hoặc canxi hoặc các mục tiêu khác để giúp chấm dứt cơn động kinh. Vì hiệu quả điều trị của thuốc chống động kinh (AEDs) được giới hạn trong khoảng 20% ​​-40% bệnh nhân, các phương pháp thay thế như liệu pháp tế bào được coi là một cách tiếp cận có triển vọng. Liệu pháp tế bào gốc đã sớm chứng minh hiệu quả ở nhiều động vật và con người.

    Các nguyên nhân gây bệnh động kinh ở người (theo WHO). 

    Các kết quả trên mô hình động vật ủng hộ liệu pháp tế bào gốc cho điều trị chứng động kinh: các loại tế bào gốc, bao gồm tế bào gốc thần kinh, tế bào gốc phôi thai, bào thai và các tế bào gốc trung mô đã được sử dụng trong  mô hình động vật động kinh với một số mức độ thành công. Tiềm năng điều trị của các tế bào gốc có thể được tăng cường bằng các công cụ kỹ thuật tiên tiến như đóng gói tế bào, điều chỉnh chế độ nuôi cấy và biến đổi di truyền.


    Chức năng chính của tế bào gốc trung mô tủy xương (MSCs) là để hỗ trợ việc tạo máu và tạo tế bào gốc tạo máu, và cung cấp các tế bào có nguồn gốc trung tính như tế bào xương, tế bào sụn và tế bào mỡ. Việc chuyển biệt hoá (transdifferentiation) làm cho chúng có nhiều hứa hẹn cho điều trị các bệnh thần kinh. Đặc biệt, việc cấy ghép MSC thường làm giảm số lần co giật và bảo toàn neuron tốt hơn.

    Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đề xuất một phương pháp điều trị cho bệnh nhân động kinh có triệu chứng kháng thuốc bằng cách truyền MSC vào tĩnh mạch và trong màng cứng. Nghiên cứu sử dụng các tế bào gốc tự thân thu từ tuỷ xương.

    Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá tính an toàn và hiệu quả ban đầu của việc kết hợp sử dụng truyền MSC tự thân và AED thông thường trong các bệnh nhân bị động kinh.

    Các bệnh nhân được thu tuỷ xương. Sau đó, tế bào gốc trung mô từ tuỷ xương được phân lập, nuôi cấy và tăng sinh. Các tế bào sau khi kiểm tra được huyền phù trong nước muối với 5% huyết thanh tự thân và truyền tĩnh mạch và bơm vào màng cứng. Khoảng 70 triệu tế bào được đưa vào mỗi bệnh nhân.


    Kết quả cho thấy  ghép MSC được dung nạp tốt và không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tần suất co giật, lên cơn động kinh được chỉ định là kết quả chính và được đánh giá sau 1 năm. 3 trong số 10 bệnh nhân trong nhóm điều trị MSC đạt được sự thuyên giảm rõ rệt (không có cơn co giật kéo dài từ 1 năm trở lên), và 5 bệnh nhân khác từ không đáp ứng với AED đã trở thành đáp ứng với AED, trong khi chỉ có 2 trong số 12 bệnh nhân đáp ứng trong nhóm đối chứng (khác biệt có ý nghĩa, P = 0,0135) .
    Như vậy, liệu pháp MSC có đặc tính điều hòa miễn dịch duy nhất và là một ứng cử viên an toàn và hứa hẹn cho liệu pháp tế bào ở bệnh nhân động kinh kháng AED.

    (Phạm Vũ)

    Xem thêm tại:

    http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1896112617300238

  • Tế bào gốc trung mô từ mô mỡ có thể điều trị hiệu quả suy gan cấp trên chuột

    Một biến chứng nghiêm trọng của suy gan mãn tính là suy gan cấp tính, một hội chứng được biết có đặc điểm là mất bù cơ tim và xơ gan, và sự sống sót thấp, cần ghép gan sớm. Do số lượng người hiến gan còn hạn chế nên cần một cách tiếp cận mới để điều trị bệnh này.

    Các giai đoạn tổn thương gan. 


    Đã có những tiến bộ đáng kể trong điều trị bệnh gan bằng cách tận dụng cơ chế miễn dịch và tái tạo trong thời gian gần đây.

    Một số mô hình động vật của xơ gan cấp và mãn tính đã được ghép tế bào gốc trung mô (MSCs). Kết quả cho thấy có cải thiện chức năng gan ở những chuột này.  Tuy nhiên, các mô hình này không mô phỏng đúng được bệnh gan cấp tính trên người với cổ trướng và tử vong sớm. Bên cạnh một số nghiên cứu cho thấy rằng MSC có thể cải thiện chức năng gan trong điều trị bệnh nhân bị xơ gan mãn tính, các nghiên cứu khác cho thấy không có lợi khi sử dụng phương pháp này. Không rõ MSCs có làm giảm hoặc góp phần tạo thành sợi xơ trong gan và liệu quá trình này có phụ thuộc vào lộ trình và khung thời gian dùng thuốc hay không. Do đó, cần nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi điều trị MSC như một phương pháp điều trị chính cho suy gan.
     Trong nghiên cứu này, nhóm đã khảo sát việc sử dụng các MSCs có nguồn gốc từ mỡ (AD-MSCs) trong một mô hình thực nghiệm suy gan cấp tính, được phát triển bởi sự ứ mật ở chuột nhắt. Những con chuột trải qua tình trạng ứ mật được điều trị bằng tiêm tĩnh mạch AD-MSC người hoặc chuột.

    Các nhóm chuột được điều trị bằng AD-MSC chuột có ít cổ trướng, giảm gan và lách to, teo tinh hoàn ít hơn, và cải thiện các thông số sinh hóa huyết thanh. Cũng có sự cải thiện về sự thay đổi mô học gan, trong đó diện tích xơ hóa và sự tăng đường mật giảm đáng kể ở nhóm điều trị bằng AD-MSC chuột.

    Những dữ liệu này hỗ trợ việc sử dụng AD-MSC tự thân trong điều trị bệnh ứ mật ở người, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, gây ức chế mật.

    (Phạm Vũ)

    Tham khảo:

    http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0753332216327640

  • Điều trị thoái hóa khớp, đĩa đệm cột sống bằng tế bào gốc

    Lần đầu tiên ở Việt Nam, nhóm chuyên gia của Viện Tế bào gốc (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TPHCM) đã nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc tế bào gốc điều trị bệnh thoái hóa khớp và thoái hóa đĩa đệm cột sống.

    Tiêm tế bào gốc vào khớp để điều trị thoái hóa khớp

    Nghiên cứu này không chỉ giúp người bệnh bớt đau đớn, phục hồi nhanh trong quá trình điều trị, chi phí chữa trị thấp hơn nhiều so với phương pháp truyền thống, mặt khác đã khẳng định một bước tiến mới trong phát triển công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam.

    Thoái hóa khớp, thoái hóa đĩa đệm là bệnh phổ biến trên thế giới, nhất là những nước có dân số già. Ở Việt Nam, thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm số bệnh nhân khám và điều trị bệnh khớp tại bệnh viện chiếm tỷ lệ hơn 10% tổng số bệnh nhân. Người bị bệnh thoái hóa khớp, thoái hóa đĩa đệm cột sống có thể bị tàn phế, thậm chí tử vong nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách.

    Phương pháp điều trị phổ biến là dùng thuốc giảm đau uống, chích Hyaluronic acid nội khớp, phẫu thuật thay khớp. Tuy nhiên, hiệu quả của các phương pháp này có thời hạn, mặt khác còn để lại tác dụng phụ: Tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, dễ dẫn đến biến cố tim mạch, xơ hóa xương dưới sụn.

    Ngoài ra, phương án phẫu thuật thay khớp có chi phí quá cao (80 triệu đồng/ca), có ít người có điều kiện chữa trị. Hiện nay, số lượng người bị bệnh khớp, thoái hóa đĩa đệm do không đủ tiền chữa trị, hoặc bị biến chứng sau khi điều trị dẫn đến tàn phế, không di chuyển được chiếm tỷ lệ rất cao.

    Thực tế này khiến PGS-TS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc và các cộng sự trăn trở. Nhóm bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất thuốc tế bào gốc điều trị bệnh thoái hóa khớp và thoái hóa đĩa đệm cột sống. “Mục đích lớn nhất của chúng tôi ở nghiên cứu này là muốn giúp những người bị thoái hóa khớp và thoái hóa đĩa đệm cột sống được chữa trị và sẽ điều trị khỏi bệnh. Muốn được vậy, điều kiện bắt buộc là phải có thuốc điều trị hữu hiệu nhưng chi phí phải thấp”, PGS-TS Phạm Văn Phúc chia sẻ.

    Sau 4 năm dày công nghiên cứu, thử nghiệm cấy ghép, phân tích các dữ liệu để sản xuất thuốc tế bào gốc, đến năm 2016, quá trình sản xuất chuyển sang giai đoạn đánh giá chất lượng. Theo PGS-TS Phạm Văn Phúc, thuốc tế bào gốc là thế hệ thứ 3 của sản phẩm tế bào gốc ứng dụng trên người.

    Hiện nay, có rất ít quốc gia làm chủ được công nghệ này. Toàn thế giới chỉ có khoảng 10 sản phẩm thuốc tế bào gốc được cấp phép lưu hành, ứng dụng. Thế hệ 1 là ghép hỗn hợp giàu tế bào gốc mà 90% các cơ sở ghép tế bào gốc ở Việt Nam đang sử dụng. Thế hệ 2 là ghép tế bào gốc tinh sạch khoảng 10% các cơ sở còn lại đang làm. Thế hệ 3 là thế hệ tế bào gốc đồng loài, quy mô lớn, gọi là thuốc tế bào gốc.

    PGS-TS Phạm Văn Phúc cho biết, sản phẩm tế bào gốc đang được nhóm nghiên cứu cho sản xuất quy mô lớn và sẽ đánh giá lâm sàn vào năm 2020. Quá trình sản xuất đến nay cho thấy, chất lượng của sản phẩm rất ổn định. Hiện Viện Tế bào gốc đã chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh ứng dụng điều trị. Ưu điểm lớn nhất của việc điều trị tế bào gốc được ghi nhận là tác dụng không mong muốn thấp hơn các phương pháp truyền thống.

    Kết quả ứng dụng điều trị thuốc tế bào gốc tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cho thấy, 60% bệnh nhân đạt kết quả rất tốt, điều trị khỏi bệnh; 30,16% đạt kết quả tốt, bệnh có thuyên giảm; 9,84% không đáp ứng, tức là bệnh trạng không thay đổi; không có bệnh nhân nào bị tác dụng phụ.

    Thuốc tế bào gốc điều trị bệnh thoái hóa khớp và thoái hóa đĩa đệm cột sống là sản phẩm đầu tiên được nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm có tên gọi Cartilatist, là một ống thủy tinh có dung tích 10ml, chứa 2,5ml dung dịch với 5 – 10 triệu tế bào gốc mô mỡ người.Sản phẩm được bảo quản trong nhiệt độ -86oC, với thời hạn sử dụng sản phẩm là 12 tháng kể từ ngày sản xuất. Khi sử dụng, sản phẩm được rã đông tự nhiên. Sau khi lấy ra từ tủ đông rã đông, sản phẩm được trộn với 2,5ml huyết tương giàu tiểu cầu hay dung dịch Hyaluronic acid và tiêm trực tiếp vào khớp hay đĩa đệm cột sống. 

    PHẠM MINH

    Nguồn: http://www.sggp.org.vn/dieu-tri-thoai-hoa-khop-dia-dem-cot-song-bang-te-bao-goc-584786.html?fbclid=IwAR2bAx1fhFc8K6UmQRLyO1iVsus0xtkWvYm-9RkfV6lULrSA9HBWNfvtxSE

  • Biến tế bào máu thành neuron thần kinh

    Trừ khi bạn là “người sói” hay “siêu anh hùng”, còn lại sẽ chẳng dễ dàng gì để biến đổi một thành phần trên cơ thể thành thứ khác. Tuy nhiên, tế bào của bạn thì có thể.

    Mới đây, một nhóm nghiên cứu đã tìm ra cách thức biến đổi tế bào trong hệ miễn dịch thành neuron thần kinh – điều nghe khó tin vì hai loại tế bào vốn mang hình thái và chức năng hoàn toàn khác biệt. Các nhà khoa học kỳ vọng kỹ thuật trên có thể giúp ích nhiều cho các nghiên cứu về não bộ người thông qua mẫu máu. Kết quả trên được công bố tại Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học Quốc gia Mỹ vào hôm 4/6.

    Tế bào bạch cầu có thể biến đổi thành neuron thần kinh bằng một kỹ thuật đặc biệt. Ảnh: Getty Image

    “Máu là mẫu thử sinh học dễ lấy nhất,” Marius Wernig – phó giáo sư ngành bệnh lý học tại đại học Standford – cho biết. “Hầu như tất cả bệnh nhân nhập viện đều để lại mẫu máu, và chúng cũng thường được bảo quản đông lạnh để phục vụ cho các cho nghiên cứu sau này.”

    Kỹ thuật “tế bào gốc” thường là lựa chọn khi các nhà khoa học cần thiết phải tạo ra một loại tế bào nào đó. Tuy nhiên, có những lúc các tế bào đã hoàn toàn biệt hóa và trưởng thành (chẳng hạn tế bào da hoặc máu) cũng có khả năng thay đổi hình dạng để trở thành một loại tế bào hoàn toàn khác – sự chuyển đổi được các nhà khoa học gọi là “transdifferentiation”.

    Theo một nghiên cứu công bố trên Nature (năm 2011), Wernig cùng nhóm của ông đã chứng minh việc tìm ra kỹ thuật “transdifferentiation” khi thực hiện chuyển hóa tế bào da chuột thành neuron mà không cần phải đưa trước về dạng tế bào gốc. Tuy nhiên, các tế bào da cần thiết phải được nuôi cấy trong môi trường lab một thời gian – đủ để gây ra các đột biến gene làm thay đổi hẳn tế bào của một người.

    Để khắc phục tình trạng trên, Wernig và các cộng sự đã tập trung vào Lympho B – tế bào bạch cầu có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch nhờ khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, nếu được bổ sung thêm 4 loại protein trong khoảng thời gian ngắn, Lympho T có thể biến đổi thành neuron của chính bệnh nhân.

    Wernig nhận định “Chúng tôi thật sự choáng ngợp vì cách mà một Lympho T đơn giản có thể biến đổi thành neuron và hoạt động bình thường trong vài ngày”, và “bởi Lympho T là tế bào miễn dịch đặc hiệu mang hình dạng khối cầu”, trong khi neuron lại có đuôi dài – hoàn toàn trái ngược.

    Kỹ thuật trên có thể sẽ được áp dụng trong những nghiên cứu về neuron thần kinh ở người mắc chứng tâm thần phân liệt hay tự kỷ, để tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây bệnh và phát minh ra các phương pháp chữa trị tiềm năng.

    Tuy nhiên, các neuron được tạo ra nhờ kỹ thuật trên đã không có cơ chế giúp hình thành các synapse – vùng không gian giữa các neuron và cần thiết cho hoạt động trao đổi thông tin giữa chúng – một cách hoàn chỉnh. Vì thế, nhóm của Wernig đang kỳ vọng có thể nghiên cứu để cải tiến thêm kỹ thuật này và đã bắt đầu thu thập mẫu máu của các trẻ em tự kỷ.
    Nhật Phạm (Theo Live Science)

    Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/bien-te-bao-mau-thanh-neuron-than-kinh/2018061804123540p1c160.htm

  • Công nghệ tế bào gốc trong điều trị HIV

    Cho đến nay, có hai người nhiễm HIV đã được chữa khỏi nhờ liệu pháp ghép tế bào gốc mang gene đột biến. Vậy bản chất khoa học của vấn đề này là gì? Quá trình các nhà nghiên cứu tìm kiếm giải pháp này ra sao?

    Tìm ra mắt xích dễ tấn công nhất
    Để chữa được Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS) do nhiễm virus HIV (human immunodeficiency virus) – một loại virus gây suy giảm miễn dịch trên người gây ra, các nhà khoa học phải nghiên cứu để xác định rõ “tổ tiên” cũng như bản chất của virus này.
    HIV thuộc họ retrovirus có thể phá hủy các tế bào TCD4 trong cơ thể. HIV tương tự như một loại virus tìm thấy trong khỉ và vượn – được gọi là SIV. Để xác định “tổ tiên” của HIV, các nhà khoa học đã giải mã trình tự HIV của các chủng HIV khác nhau và so sánh chúng với các chủng SIV. Có 2 dạng HIV là HIV-1 và HIV-2. Dạng HIV-1 giống nhất với một SIV tìm thấy ở loài tinh tinh và HIV-2 rất giống với một SIV tìm thấy trong một loài khỉ mặt xanh đen. HIV-1 là loại thông dụng nhất của virus gây suy giảm miễn dịch trên người và được các chuyên gia nghiên cứu, phân tích nhiều nhất. Kết quả nghiên cứu cho thấy, virus HIV-1 liên kết với đồng thụ thể CCR5. Còn HIV-2 thì không phổ biến, thấy nhiều nhất ở Đông Phi hoặc trên những người ở giai đoạn sau của tiến trình phát triển bệnh. Chúng liên kết với đồng thụ thể CXCR4.
    Cụ thể, khi bệnh nhân nhiễm HIV, virus này có thể thâm nhập được vào cơ thể nhờ vào thực hiện nhờ tương tác đặc trưng của vỏ bọc (Env) glycoprotein của virus với một phân tử bề mặt tế bào miễn dịch CD4 đóng vai trò là thụ thể chính và một thụ thể chemokine là CCR5 hoặc CXCR4.
    Do đó, để điều trị HIV, các nhà khoa học có thể nhắm tới mục tiêu là Env của virus, thụ thể CD4 hoặc đồng thụ thể CCR5/CXCR4.
    Vì các protein bao bọc virus có sự biến đổi đa dạng trong khi thụ thể CD4 và CCR5 hoặc CXCR4 ít biến đổi hơn nên các thụ thể này trở thành mục tiêu tốt hơn để ngăn chặn sự xâm nhập của virus. Tuy nhiên, làm giảm CD4 hay CXCR4 có thể để lại hậu quả không tốt cho chức năng hoặc sự trưởng thành và di cư của tế bào miễn dịch. Trong khi đó, những người thiếu chức năng CCR5 lại không có những khiếm khuyết về hệ miễn dịch rõ ràng mà lại làm giảm khả năng xâm nhiễm của HIV và làm chậm tiến triển thành AIDS. Trong tự nhiên, một số người xuất hiện khả năng kháng virus, không bị lây nhiễm ngay cả khi tiếp xúc với HIV nhiều lần. Ở những người này có một protein đồng thụ thể CCR5 có gene đột biến bị thiếu cặp base thứ 32. Tỉ lệ những người có gene đột biến CCR5 cao nhất ở người dân châu Âu (khoảng 9%), nhưng hiếm hoặc không xuất hiện ở những nơi khác.

    Nếu gây đột biến làm biến mất 1 cặp nucleotide 32 ở gene CCR5 thì HIV không thể xâm nhập vào tế bào.

    Liệu pháp gene và tế bào gốc trong điều trị HIV
    Timothy Ray Brown là người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV. Khi học đại học ở Berlin năm 1995, Brown đã nhận được chẩn đoán dương tính HIV. Khi đó, anh bắt đầu dùng zidovudine liều thấp (AZT) – một loại thuốc kháng virus với khả năng ức chế virus tốt. Nhưng 10 năm sau đó, bác sĩ thông báo rằng anh bị bệnh bạch cầu tủy cấp tính (AML) và cần được điều trị tại bệnh viện. Brown đã chọn một bệnh viện tại Berlin.

    Timothy Brow – người đàn ông đầu tiên được điều trị AIDS thành công.


    Bác sĩ của anh ở Berlin, Gero Hütter, đã có ý tưởng sử dụng tủy xương từ một người hiến tặng với đột biến CCR5 Delta 32.
    Brown đã trải qua hóa trị liệu chuyên sâu để giết chết các tế bào ung thư trong cơ thể. Ngày 6/2/2007, Brown đã được cấy ghép tế bào tủy xương của người hiến tặng. Với sự đồng ý của bác sĩ Huetter, Brown đã ngừng uống thuốc điều trị HIV vào ngày cấy ghép. Sau 3 tháng, HIV không còn được tìm thấy trong máu của anh.
    Brown đã nhận được các tế bào gốc lần thứ hai vào tháng 2 năm 2008. Anh tiếp tục được kiểm tra các dấu hiệu HIV trong cơ thể bằng các xét nghiệm cực kỳ chính xác. Các nhà nghiên cứu đã không thể phát hiện HIV có khả năng sao chép ở bất cứ nơi nào trong cơ thể Brown.
    Sau Brown, bệnh nhân thứ 2 cũng được điều trị HIV bằng ghép tế bào gốc đột biến gene CCR5 đang cho thấy phản ứng tương tự như Brown. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng virus biến mất hoàn toàn khỏi máu bệnh nhân sau khi cấy ghép. Sau 16 tháng, bệnh nhân ngừng dùng thuốc kháng virus HIV. 18 tháng sau khi ngừng thuốc, vẫn không phát hiện dấu hiệu của virus.
    Những kết quả này đã đưa ra được minh chứng rằng người bị nhiễm HIV-1 có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Đồng thời thuốc kháng CCR5 trở thành liệu pháp cứu chữa hữu hiệu cho bệnh nhân nhiễm HIV-1. Để ngăn chặn chức năng CCR5, một số phân tử đã được nghiên cứu phát triển, bao gồm các hợp chất có trọng lượng phân tử thấp, chemokine, chất tương tự chemokine biến đổi N-termin, phân tử có nguồn gốc chemokine, peptide tổng hợp dựa trên chemokine và kháng thể đơn dòng kháng CCR5.
    Đến nay, các chiến lược trị liệu gene khác cũng đang được phát triển đó là sử dụng các intrakine và intrabody để ngăn chăn sự biểu hiện CCR5 và nuclease ngón tay kẽm (zinc finger-nuclease) trên bề mặt tế bào hoặc sử dụng các RNA can thiệp kích thước nhỏ (small interfering RNA), RNA đối mã (antisense RNA) hay ribozyme để làm giảm sự tổng hợp của các đồng thụ thể. Đây là các phương pháp mới có thể ngăn chặn sự xâm nhiễm của HIV.

    Cho đến nay, điều trị HIV bằng thuốc kháng virus đang là liệu pháp được khuyến cáo. Theo WHO, vào cuối năm 2012, gần một triệu người sống chung với HIV đã được điều trị kháng virus ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong số này, khoảng 640 000 là trẻ em. Ở các nước đang phát triển, trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2012, số lượng người được điều trị kháng virus đã tăng tới hơn 30 lần (với số người được điều trị khoảng 9.700.000 người vào năm 2012). Tuy nhiên, gần 19 triệu người khác, vẫn không được tiếp cận với thuốc kháng virus. 

    Điều trị kháng virus là một thành công không thể tranh cãi, nhưng vẫn có giới hạn như không phục hồi hoàn toàn sức khỏe, gây viêm mãn tính, rối loạn chức năng miễn dịch vô thời hạn trong thời gian điều trị; không ức chế hoàn toàn virus; Điều trị cần tuân thủ hằng ngày, có tác dụng phụ, tương tác thuốc phức tạp; Chưa đủ thuốc, dịch bệnh vẫn tiếp tục, việc sử dụng liệu pháp này có hiện tượng kháng, đặc biệt sau nhiều năm điều trị.

    TS.Vũ Bích Ngọc,Viện Tế bào gốc, Trường ĐH KHTN TP.HCM

    Nguồn:http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/cong-nghe-te-bao-goc-trong-dieu-tri-hiv/20190425095750262p1c859.htm?fbclid=IwAR3ZNCz6zCld48iT6I1qvjGB3oR-omLfor_hh3t7jjQ6syBo4o6NFkf0sS4