Author: Phuong Dang-Bich

  • VIỆN TẾ BÀO GỐC TINH GỌN BỘ MÁY QUẢN LÝ THEO HƯỚNG HIỆU QUẢ

    VIỆN TẾ BÀO GỐC TINH GỌN BỘ MÁY QUẢN LÝ THEO HƯỚNG HIỆU QUẢ

    Sáng ngày 20/01/2025, tại hội trường B6-1, Viện Tế bào gốc đã tổ chức lễ công bố quyết định về công tác nhân sự, đánh dấu bước tiến mới trong việc kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn và hiệu quả, thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

    Theo đó, PGS.TS. Phạm Văn Phúc, Viện Trưởng Viện Tế bào gốc đã trao quyết định giữ nhiệm vụ trưởng phòng cho các cá nhân:

    1. ThS. Trương Châu Nhật: Giữ nhiệm vụ Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp.
    2. TS. Nguyễn Trường Sinh: Giữ nhiệm vụ Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại.
    3. ThS. Đỗ Minh Nghĩa: Giữ nhiệm vụ Trưởng phòng Tài chính và Cung ứng.

    Đây là bước đi quan trọng nhằm sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, giúp Viện Tế bào gốc tăng cường hiệu quả quản lý, phối hợp và triển khai nhằm phát huy tối đa năng lực của Viện.

    Với quy hoạch mới, bộ máy quản lý của Viện Tế bào gốc bao gồm 7 phòng chức năng, cụ thể:

    1. Phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại – Trưởng phòng: TS. Nguyễn Trường Sinh.
    2. Phòng Tài chính và Cung ứng – Trưởng phòng: ThS. Đỗ Minh Nghĩa.
    3. Phòng Đào tạo và Chăm sóc người học – Trưởng phòng: ThS. Nguyễn Hoàng Nhật Trinh.
    4. Phòng Đổi mới sáng tạo và Sản xuất thực nghiệm – Trưởng phòng: PGS.TS. Vũ Bích Ngọc.
    5. Phòng Kế hoạch – Tổng hợp – Trưởng phòng: ThS. Trương Châu Nhật.
    6. Phòng Kinh doanh và Marketing – Trưởng phòng: ThS. Nguyễn Trọng Hòa.
    7. Phòng Quản trị kênh phân phối – Phụ trách phòng: Ông Hoàng Nguyễn Công Trình.

    Viện Tế bào gốc cam kết tiếp tục đẩy mạnh vai trò tiên phong trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đồng thời xây dựng một môi trường quản lý năng động, sáng tạo và bền vững.

  • THÔNG BÁO NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN

    THÔNG BÁO NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN

    Kính gửi: Quý đối tác, khách hàng.

    Nhân dịp Tết Nguyên đán 2025, Viện Tế bào gốc xin trân trọng thông báo lịch nghỉ Tết như sau:

    Thời gian nghỉ: Từ Thứ Bảy, ngày 25/01/2025 đến hết Chủ Nhật, ngày 02/02/2025

    • Thời gian làm việc trở lại: Thứ Hai, ngày 03/02/2025

    Viện Tế bào gốc xin chân thành cảm ơn sự đồng hành và ủng hộ của Quý vị trong thời gian qua. Kính chúc Quý đối tác, khách hàng một năm mới An khang – Thịnh vượng – Vạn sự như ý!

  • CHÍNH THỨC RA MẮT MẠNG LƯỚI TẾ BÀO GỐC VIỆT NAM – VIỆN TẾ BÀO GỐC (VNSCN)

    CHÍNH THỨC RA MẮT MẠNG LƯỚI TẾ BÀO GỐC VIỆT NAM – VIỆN TẾ BÀO GỐC (VNSCN)

    1. Phát biểu khai mạc của PGS.TS Phạm Văn Phúc

    PGS.TS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, đã chia sẻ về mục tiêu và sứ mệnh của VNSCN trong buổi lễ ra mắt ngày 10/1 sau phần hội thảo SCI TechUpdate 2024 và nhấn mạnh rằng, mạng lưới có nhiệm vụ kết nối các nhà nghiên cứu, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực tế bào gốc, nhằm xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ để chia sẻ tri thức, hợp tác nghiên cứu và phát triển các ứng dụng tế bào gốc, đóng góp vào sự phát triển của ngành tế bào gốc tại Việt Nam.

    2. Tầm nhìn và lịch sử hình thành

    PGS.TS. Phạm Văn Phúc dẫn chứng sự phát triển của các mạng lưới tế bào gốc trên thế giới, với khởi đầu từ Canada vào năm 2001. Khái niệm “Stem Cell Network” đã lan tỏa và trở thành mô hình ở nhiều quốc gia. Sau 5 năm ấp ủ, đến nay Mạng lưới Tế bào gốc Việt Nam – Viện Tế bào gốc đã được chính thức thành lập, với kỳ vọng tạo ra giá trị mới thông qua các hoạt động kết nối cộng đồng, chia sẻ tri thức, và hợp tác nghiên cứu.

    3. Các hoạt động nổi bật và kế hoạch hoạt động của VNSCN năm 2025

    • Xuất bản tài liệu hàng tháng cung cấp thông tin về xu hướng nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc, cũng như các hoạt động kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực này ở trong và ngoài nước.

    • Hợp tác và giải quyết bài toán thực tiễn: Mạng lưới sẽ làm việc chặt chẽ với các cơ sở y tế và bác sĩ để nhận các đặt hàng nghiên cứu, từ đó tìm kiếm giải pháp ứng dụng tế bào gốc vào điều trị bệnh.

    • Chuẩn hóa sản xuất tế bào gốc: Qua các chương trình đào tạo và hội thảo, mạng lưới hướng tới xây dựng quy trình tiêu chuẩn chung cho sản xuất tế bào gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều và có thể ứng dụng rộng rãi trong y học.

    Buổi lễ ra mắt VNSCN đánh dấu khởi đầu quan trọng, mở ra nhiều cơ hội kết nối và phát triển cho cộng đồng nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam.

    Hãy cùng chung tay xây dựng và phát triển Mạng lưới Tế bào gốc Việt Nam (VNSCN) bằng cách trở thành một phần của cộng đồng ngay hôm nay! Là thành viên, bạn sẽ có cơ hội đóng góp vào các nghiên cứu đột phá, chia sẻ tri thức, và kết nối với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tế bào gốc.

    VNSCN tin rằng mỗi cá nhân và tổ chức đều có thể tạo nên sự khác biệt, từ việc lan tỏa kiến thức, hợp tác phát triển công nghệ, đến việc đưa những ứng dụng tiên tiến vào cuộc sống. Đăng ký ngay để tham gia các hoạt động học thuật, chương trình đào tạo, và cùng nhau thúc đẩy sự đổi mới trong y học tái tạo.

    Tham gia hôm nay để cùng kiến tạo một tương lai tế bào gốc Việt Nam mạnh mẽ và bền vững !

  • SCI TechUpdate 2024 đã thu hút 43 đơn vị nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trên cả nước tham gia

    SCI TechUpdate 2024 đã thu hút 43 đơn vị nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trên cả nước tham gia

    Ngày 10 tháng 01 năm 2025, Hội thảo khoa học thường niên SCI TechUpdate 2024 đã diễn ra thành công tại Khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện năm nay là dịp để các nhà khoa học, bác sĩ và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tế bào gốc gặp gỡ, chia sẻ và cập nhật những kết quả nghiên cứu và ứng dụng mới nhất. 

    Hội thảo đã vinh dự đón tiếp 150 khách mời, bao gồm các nhà khoa học, bác sĩ và chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đến từ 43 đơn vị nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong cả nước như Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, Bệnh viện Quốc tế DNA, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện thẩm mĩ Emcas, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện An Việt, Bệnh viện Thẩm mĩ Siam Thailand…

    5 BÁO CÁO KHOA HỌC NỔI BẬT

    Với lần tổ chức đầu tiên, hội thảo nổi bật với 5 báo cáo quan trọng, mang đến những thông tin cập nhật giá trị từ các đơn vị nghiên cứu và lâm sàng hàng đầu:

    1. “Tế bào gốc 2024 có gì? Và xu hướng 2025”

    Báo cáo mở đầu của PGS.TS. Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc, đã mang đến cái nhìn toàn cảnh về những tiến bộ đáng chú ý trong nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong năm 2024. Đồng thời PGS.TS. Phạm Văn Phúc đã chia sẻ những dự báo xu hướng phát triển trong năm 2025, với nhiều thông tin mới mẻ và đầy hấp dẫn, khẳng định tầm quan trọng của công nghệ tế bào gốc trong y học hiện đại.

    2. “Ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu trong hỗ trợ sinh sản”

    TS. Bạch Thị Thu Cúc đến từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, đã chia sẻ kết quả nổi bật trong hơn 5 năm qua khi đơn vị ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân trong hỗ trợ bệnh nhân hiếm muộn. Phương pháp sử dụng chính mẫu máu của bệnh nhân, tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu và bơm vào tử cung, đã giúp cải thiện quá trình làm tổ và tăng tỷ lệ thụ thai.

    3. “Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị đái tháo đường tại bệnh viện quốc tế DNA”

    TS. Trịnh Như Thùy, Giám đốc Ngân hàng Mô – Tế bào gốc tại Bệnh viện Quốc tế DNA, đã trình bày về các ứng dụng đầy triển vọng của tế bào gốc trong điều trị bệnh đái tháo đường. Báo cáo đã cung cấp cái nhìn chi tiết về các thử nghiệm lâm sàng và kết quả bước đầu trong việc sử dụng tế bào gốc giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả hơn.

    4. “Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong thẩm mỹ tại bệnh viện thẩm mĩ EMCAS”

    BS.CKI. Phạm Xuân Khiêm, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas đã trình bày báo cáo về việc ứng dụng tế bào gốc trong các liệu pháp thẩm mỹ hiện đại. 

    5. “Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn bằng tế bào gốc: Những kết quả mới”

    TS.BS. Lê Thị Bích Phượng từ Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh đã mang đến thông tin quan trọng về việc sử dụng tế bào gốc trung mô trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bài báo cáo đã cung cấp nhiều số liệu lâm sàng, minh chứng rõ ràng về khả năng của tế bào gốc trung mô trong điều hòa miễn dịch, giúp giảm tần suất đợt cấp và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.

    Các bài báo cáo tại hội thảo không chỉ cung cấp những thông tin cập nhật mới nhất mà còn là các kết quả thực nghiệm lâm sàng được tiến hành trực tiếp tại các cơ sở y tế hàng đầu. Những chia sẻ này đã mở ra nhiều triển vọng cho việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong thực tiễn, từ điều trị các bệnh lý phức tạp đến cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng sống.

    Tổng kết

    Hội thảo khoa học thường niên SCI TechUpdate 2024 không chỉ là minh chứng rõ nét cho nỗ lực bền bỉ của Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM trong việc dẫn dắt nghiên cứu và đổi mới sáng tạo mà còn là cầu nối gắn kết giữa các nhà khoa học, bệnh viện và chuyên gia đầu ngành. Sự kiện năm nay tiếp tục khẳng định tầm vóc của công nghệ tế bào gốc, mở ra cơ hội hợp tác đa chiều và thúc đẩy ứng dụng khoa học tiên tiến, đưa các thành tựu đến gần hơn với cuộc sống, góp phần cải thiện chất lượng y học và sức khỏe cộng đồng.

    Sự kiện SCI TechUpdate 2025 và Ngày Tế bào gốc Stem Cell Day 2025 sẽ tổ chức vào ngày 20/12/2025. 

  • Thầy Phan Kim Ngọc được trao Giải thưởng Cống hiến Tế bào gốc SCI Stem Cell Award 2024

    Thầy Phan Kim Ngọc được trao Giải thưởng Cống hiến Tế bào gốc SCI Stem Cell Award 2024

    Ngày 10 tháng 01 năm 2025, tại Hội thảo khoa học thường niên SCI TechUpdate 2024, giải thưởng cống hiến tế bào gốc 2024 (SCI Stem Cell Award 2024) của Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM đã được trao cho Thầy Phan Kim Ngọc – một nhà giáo, nhà khoa học đầy tâm huyết, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển của khoa học tế bào gốc của Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM.

    Buổi lễ trao giải diễn ra trong không khí trang trọng và xúc động, với sự tham dự của hơn 150 đại biểu, bao gồm các nhà khoa học, bác sĩ và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan đến tế bào gốc. Đặc biệt, sự kiện có sự tham gia của GS.TS. Trần Linh Thước, TS.DS. Nguyễn Đức Thái và GS.TS. Trương Đình Kiệt – những người Thầy và đồng nghiệp của Thầy Phan Kim Ngọc trong suốt thời gian qua. 

    Hành trình và những đóng góp đặc biệt của Thầy Phan Kim Ngọc

    Từ năm 1999, Thầy Phan Kim Ngọc được phân công phụ trách PTN Công nghệ sinh học phân tử C (tập trung nghiên cứu về công nghệ tế bào người và động vật) trong hệ thống các PTN Công nghệ sinh học do GS.TS. Trần Linh Thước là trưởng phòng. Đến năm 2007, từ những kết quả nghiên cứu về công nghệ tế bào gốc của PTN Công nghệ sinh học phân tử C, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên đã quyết định thành lập PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc vào ngày 24/12/2007 và Thầy Phan Kim Ngọc được bổ nhiệm là Trưởng phòng PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc. Và ĐHQG Tp.HCM đã quyết định đầu tư chiều sâu để phát triển PTN này với tổng kinh phí đầu tư là 40 tỉ đồng. 

    Trong 25 năm qua (1999-2024), Thầy Phan Kim Ngọc đã tận tụy giảng dạy, truyền cảm hứng và dẫn dắt nhiều thế hệ nhà khoa học trẻ. Không chỉ vậy, Thầy còn trực tiếp tham gia vào nhiều dự án về tế bào gốc. Phát triển tại Lễ vinh danh và trao thưởng, PGS.TS. Phạm Văn Phúc đã chia sẻ rằng: Thầy Phan Kim Ngọc là một nhà khoa học “nuôi tế bào gốc”, và “các tế bào gốc Thầy nuôi đã biệt hóa” và đang trở thành các nhà khoa học, nhà giáo và phục vụ cho xã hội. 

    Giải thưởng SCI Stem Cell Award

    SCI Stem Cell Award còn gọi là Giải thưởng cống hiến tế bào gốc, do Viện Tế bào gốc trao tặng, dành riêng cho các cá nhân có cống hiến xuất sắc cho lĩnh vực Tế bào gốc. Năm 2024, giải thưởng được trao cho Thầy Phan Kim Ngọc không chỉ vì những cống hiến của Thầy cho lĩnh vực tế bào gốc của Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM, mà còn vì Thầy là biểu tượng của sự đam mê, kiên trì và sáng tạo không ngừng trong khoa học. Bên cạnh kỷ niệm chương, giải thưởng còn đi kèm phần thưởng trị giá 50 triệu đồng, như một sự động viên và ghi nhận những cống hiến to lớn của Thầy.

    Khoảnh khắc vinh danh đầy xúc cảm

    Lễ trao giải thưởng SCI Stem Cell Award 2024 trở thành một dấu ấn khó quên khi những người đồng nghiệp, học trò và cả gia đình đã cùng hiện diện để chứng kiến khoảnh khắc vinh danh Thầy Phan Kim Ngọc.

    Không khí càng trở nên trang trọng và đầy ý nghĩa khi GS.TS. Trần Linh Thước, GS.TS. Trương Đình Kiệt, và PGS.TS. Phạm Văn Phúc cùng bước lên sân khấu để trao tặng kỷ niệm chương và phần thưởng cho Thầy. Những tràng pháo tay vang lên không ngớt, như một lời tri ân chân thành gửi đến người thầy đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển của khoa học tế bào gốc.

    Khoảnh khắc giữa những tràng pháo tay và ánh mắt xúc động của hơn 150 đại biểu, đã khiến cả hội trường lặng đi. Đó là giây phút tôn vinh một con người không chỉ dành trọn đời cho khoa học mà còn là nguồn cảm hứng sống động cho tất cả những người có mặt tại buổi lễ.

    Kết thúc và lời tri ân

    Giải thưởng SCI Stem Cell Award 2024 không chỉ tôn vinh một cá nhân xuất sắc mà còn lan tỏa cảm hứng mạnh mẽ về sự cống hiến, lòng đam mê và tinh thần đổi mới sáng tạo trong khoa học. Những cống hiến của Thầy sẽ tiếp tục là động lực để thế hệ sau vươn xa hơn, khẳng định vị thế của ngành khoa học tế bào gốc trên trường quốc tế.

    Xin kính chúc Thầy khỏe mạnh, hạnh phúc và tiếp tục lan tỏa ngọn lửa đam mê khoa học đến với nhiều thế hệ học trò !

  • Bệnh viện Thống Nhất và Viện Tế bào gốc: Ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ

    Bệnh viện Thống Nhất và Viện Tế bào gốc: Ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ

    Sáng ngày 17/12/2024, tại Bệnh viện Thống Nhất đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Bệnh viện Thống Nhất và Viện Tế bào gốc, Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực lão khoa và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

    Thành phần tham dự
    Tham dự lễ ký kết, phía Bệnh viện Thống Nhất có sự hiện diện của PGS. TS. Lê Đình Thanh – Giám đốc Bệnh viện, PGS. TS. Võ Thành Toàn – Phó Giám đốc Bệnh viện, cùng nhiều lãnh đạo các khoa, phòng. Phía Viện Tế bào gốc gồm PGS. TS. Phạm Văn Phúc – Viện trưởng và đại diện các đơn vị trực thuộc.

    Phát biểu từ lãnh đạo hai bên
    Trong phát biểu khai mạc, PGS. TS. Lê Đình Thanh đã nhấn mạnh vai trò của sự hợp tác chuyển giao công nghệ này trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bệnh viện Thống Nhất trở thành một bệnh viện lão khoa toàn diện và đạt chuẩn hạng đặc biệt. Ông bày tỏ kỳ vọng rằng, dự án hợp tác này sẽ mang đến những giá trị khoa học đồng hành cùng chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

    Bên cạnh đó, PGS. TS. Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc – bày tỏ niềm vui trước sự tin tưởng và phối hợp tích cực từ lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất và đề cao tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ lâm sàng, xây dựng quy trình điều trị và ứng dụng tế bào gốc đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

    Nội dung hợp tác
    Theo thỏa thuận ký kết, hai bên sẽ phối hợp chuyển giao hai công nghệ tiên tiến:

    1. Công nghệ phân lập, nuôi cấy và bảo quản tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn người.
    2. Công nghệ phân lập, nuôi cấy và bảo quản tế bào gốc trung mô từ mô mỡ người.

    Việc hợp tác này không chỉ hướng đến ứng dụng công nghệ vào điều trị mà còn thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y học tái tạo.

    Kế hoạch triển khai
    Ngay sau lễ ký kết, lãnh đạo hai bên đã thảo luận cụ thể về các chương trình đào tạo và ứng dụng kỹ thuật. Sự cam kết mạnh mẽ này khẳng định quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.

    Tổng kết
    Lễ ký kết hợp tác giữa Bệnh viện Thống Nhất và Viện Tế bào gốc đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của cả hai đơn vị. Đây không chỉ là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả mà còn mở ra những hướng đi mới trong việc ứng dụng tế bào gốc vào điều trị, mang lại hy vọng cho người bệnh và cộng đồng

  • THÔNG BÁO CHÍNH THỨC HỘI THẢO KHOA HỌC SCITECHUPDATE 2024

    THÔNG BÁO CHÍNH THỨC HỘI THẢO KHOA HỌC SCITECHUPDATE 2024

    Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc ngày càng trở nên sôi động trong thời gian gần đây. Hoạt động đổi mới sáng tạo liên tục đã tạo ra nhiều công nghệ tiên tiến phù hợp cho các ứng dụng tế bào gốc. Viện Tế bào gốc (thuộc Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM) là đơn vị chuyên môn, tập trung nghiên cứu về tế bào gốc. Trong xu thế chung của thế giới và Việt Nam, Viện đã đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ tế bào gốc. 

    Nhằm chia sẻ các kết quả đổi mới sáng tạo của Viện và của các đối tác của Viện trong việc phát triển các ứng dụng từ các công nghệ của Viện, Viện Tế bào gốc tổ chức hội thảo khoa học thường niên (Annual VNUHCM-US Stem Cell Institute Symposium) với tên gọi vắn tắt là SCI TechUpdate. 

    Hội thảo là dịp Viện Tế bào gốc chia sẻ các kết quả đổi mới sáng tạo mới nhất của Viện đến với đông đảo người quan tâm; đặc biệt là các thành viên của mạng lưới tế bào gốc Việt Nam (Viet Nam Stem Cell Network – VNSCN). 

    Và hội thảo còn là cơ hội để các thành viên của VNSCN gặp gỡ chia sẻ các kết quả, các kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc.

    Hội thảo khoa học thường niên Viện Tế bào gốc 2024 (SCI TechUpdate 2024) sẽ tổ chức vào ngày 10-01-2025 tại Khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh.

    Tất cả các bài trình bày trong hội thảo là các báo cáo mời (invited speaker), được trình bày bởi các nhà khoa học, bác sĩ đam mê và có kinh nghiệm trong nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc. Tất cả các thành viên tham dự hội thảo là các khách mời của Viện Tế bào gốc.

    SCITechUpdate cùng với VNSCN hi vọng sẽ mang lại những giá trị mới cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam.

    BTC SCITechUpdate 2024

  • TỔNG KẾT CUỘC THI SÁNG TẠO TẾ BÀO GỐC LẦN THỨ 9 – STEM CELL INNOVATION 2024

    TỔNG KẾT CUỘC THI SÁNG TẠO TẾ BÀO GỐC LẦN THỨ 9 – STEM CELL INNOVATION 2024

    1. LỄ KHAI MẠC: KHỞI ĐẦU HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO

    Sáng ngày 15/12/2024, vòng Chung kết cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc lần thứ 9 (Stem Cell Innovation 2024) đã chính thức khai mạc tại Nhà Văn hoá sinh viên, khu đô thị ĐHQG-HCM.

    Sự kiện vinh dự đón tiếp:

    • Thầy Phan Kim Ngọc – Cố vấn khoa học Viện Tế bào gốc.
    • PGS.TS. Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Trưởng Ban Giám khảo.
    • TS. Nguyễn Trường Sinh – Trưởng phòng Khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ, Viện Tế bào gốc.
    • ThS. Nguyễn Hoàng Nhật Trinh – Trưởng Ban tổ chức cuộc thi.
    • Bà Trần Hồng Bảo Quyên – Marketing leader, BD Life Sciences, Đại diện các nhà tài trợ cuộc thi.
    • Cô Bùi Thị Hồng Hạnh – Giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (Đồng Tháp).
    • Cô Nguyễn Cảnh Hải Khanh – Giáo viên trường THCS & THPT Đinh Thiện Lý.
    • Thầy Đặng Đức Long – Giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ, Viện NC&ĐT Việt-Anh, Đại học Đà Nẵng.

    Cùng sự hiện diện của báo đài đưa tin bao gồm báo VnExpress, Đài truyền hình HTV và hơn 200 cổ động viên, quý thầy cô và phụ huynh đã đến tham dự và chứng kiến hành trình tranh tài hấp dẫn của TOP 10 cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc.

    Sân khấu hoành tráng của lễ khai mạc là điểm khởi đầu cho hành trình chinh phục tri thức khoa học, nơi các thí sinh mang đến những ý tưởng đầy tiềm năng và sáng tạo trong lĩnh vực tế bào gốc với chủ đề Tế bào gốc và lão hoá.

    2. QUÁ TRÌNH THI ĐẤU: KIẾN THỨC VÀ Ý TƯỞNG SÁNG TẠO ĐƯỢC TỎA SÁNG

    Với chủ đề cuộc thi năm nay: “Tế bào gốc và lão hóa”, cuộc thi tập trung vào các giải pháp giúp con người sống khỏe mạnh, trường thọ thông qua ứng dụng tế bào gốc.

    Cuộc thi năm nay đã thu hút 317 đội thi với gần 850 thí sinh từ 46 đơn vị trường đại học và THPT trên cả nước. Sau nhiều vòng loại gắt gao, 10 đội xuất sắc nhất đã bước vào vòng Chung kết để trình bày những ý tưởng sáng tạo vượt trội trước Hội đồng Giám khảo.

    Hội đồng Giám khảo năm nay gồm các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực để đánh giá toàn diện ý tưởng của đội thi:

    • PGS.TS. Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc – Đánh giá về khoa học và công nghệ.
    • PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐHQG-HCM – Đánh giá tác động kinh tế.
    • BS.CKII Nguyễn Tôn Ngọc Huỳnh, Phó giám đốc bệnh viện quốc tế DNA – Đánh giá tác động y tế.
    • Nhà báo ThS. Phan Kim Sơn, tổng thư ký toà soạn Tạp chí Thuốc và Sức khoẻ, Hội dược học Việt Nam – Đánh giá tác động xã hội.
    • Ông Nguyễn Hồ Hoài Nam, Trưởng phòng dịch vụ Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao, Ban quản lý Khu Công nghệ cao – Đánh giá tính khả thi đầu tư.

    Các đội thi đã lần lượt thuyết phục Ban Giám khảo bằng sự sáng tạo, kiến thức sâu rộng và khả năng áp dụng thực tế của mình.

    3. LỄ BẾ MẠC & TRAO GIẢI: VINH DANH NHỮNG Ý TƯỞNG ĐỘT PHÁ

    Chiến thắng cao nhất thuộc về đội Xcell, gồm ba nữ sinh lớp 11:

    • Đặng Thiên Hương (trường Đinh Thiện Lý, TP.HCM).
    • Mai An (trường Quốc tế Bắc Mỹ, Đồng Nai).
    • Nguyễn Vũ Hà Anh (trường Quốc tế Canada, TP.HCM).

    Dự án đạt giải nhất: Ứng dụng tế bào gốc phục hồi mắt bị đục thủy tinh thể, đã đạt giải thưởng 30 triệu đồng.

    Ý tưởng của nhóm sử dụng tế bào gốc từ phôi thai người để tạo thủy tinh thể tự nhiên, hướng đến giải pháp phục hồi chức năng thị giác và hỗ trợ bệnh nhân thoái hóa thị giác. Để khắc phục thách thức về đạo đức y học, nhóm đề xuất sử dụng tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPSC), phương pháp đã đoạt giải Nobel 2012.

    Giải nhì (20 triệu đồng):
    Nhóm sinh viên Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM với dự án Nano-công thức kết hợp curcumin và exosome từ tế bào gốc thần kinh cảm ứng để hỗ trợ điều trị Alzheimer.

    Giải ba (10 triệu đồng):
    Nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM với dự án Ứng dụng scaffold tự biến đổi, nano thông minh và chỉnh sửa gen trên tế bào gốc trung mô trong điều trị thoái hóa sụn khớp.

    Các giải khuyến khích: Trị giá 2 triệu đồng, trao cho các ý tưởng xuất sắc khác như:

    • Ứng dụng tế bào gốc trị bệnh đái tháo đường, suy thận mạn tính.
    • Phục hồi thính lực, cải thiện lão hóa đường ruột.

    4. Ý NGHĨA VÀ TẦM NHÌN TƯƠNG LAI

    Cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc 2024 đã khẳng định vai trò là một sân chơi khoa học đỉnh cao, giúp học sinh và sinh viên tiếp cận các kiến thức tiên tiến, phát huy khả năng sáng tạo và kỹ năng nghiên cứu.

    Với tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng, cuộc thi không chỉ khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học mà còn tạo điều kiện để các dự án tiềm năng được hỗ trợ phát triển thông qua hợp tác với các trung tâm ươm tạo, doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu.

    Hãy cùng chờ đón những bước tiến mới của các đội thi và sự trở lại của Stem Cell Innovation 2025, tiếp tục hành trình chinh phục tri thức và đổi mới sáng tạo.

    CUỘC THI SÁNG TẠO TẾ BÀO GỐC – STEM CELL INNOVATION! 🚀