Category: Bản tin

Các tin tức cập nhật của Viện Tế bào gốc.

  • THÔNG BÁO V/v Tuyển sinh thực hiện Khóa luận Cử nhân, Luận văn Thạc sĩ năm học 2022-2023 (đợt 1)

    THÔNG BÁO V/v Tuyển sinh thực hiện Khóa luận Cử nhân, Luận văn Thạc sĩ năm học 2022-2023 (đợt 1)

    Thực hiện kế hoạch nghiên cứu và đào tạo của Viện Tế bào gốc năm 2022-2023, Lãnh đạo Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM tổ chức tuyển chọn sinh viên tham gia vào các đề tài, dự án do Viện chủ trì từ năm 2022 theo kế hoạch như sau:

    Viện chỉ nhận hồ sơ trực tuyến, do đó tất cả các ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển theo link http://sci.edu.vn/work-with-us/.

    Hồ sơ ứng tuyển gồm có:

    • Đơn xin tham gia học tập và nghiên cứu tại Viện (tối thiểu 300 từ, tối đa 1000 từ). Trong đó, sinh viên, học viên cao học ghi rõ định hướng nghiên cứu muốn tham gia thực hiện. Mỗi sinh viên chỉ được chọn 01 hướng nghiên cứu để tham gia. Danh sách hướng nghiên cứu ở Phụ lục đính kèm.
    • Bảng điểm của học kỳ/năm học gần nhất, không cần xác nhận của Nhà trường.
    • Ý tưởng nghiên cứu
    • File hình thẻ/hình chân dung nhìn rõ mặt (định dạng .jpg).

    Thời gian xét tuyển (dự kiến)

    • Nộp hồ sơ xét tuyển đến hết ngày 14/08/2022
    • Phỏng vấn trực tiếp: 18-19/08/2022
    • Thông báo kết quả: 22-26/08/2022
    • Thời gian vào phòng thí nghiệm: 05/09/2022

    Số lượng ứng viên tuyển chọn

    • Sinh viên: 12
    • Học viên cao học: 2

    Xem thông báo chi tiết tại:

    [dflip id=”2342″ ][/dflip]
  • NGÀY KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG CỰU SINH VIÊN KHOA HỌC NĂM 2022

    NGÀY KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG CỰU SINH VIÊN KHOA HỌC NĂM 2022

    Kính gửi quý Cựu sinh viên,

    Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) hơn 80 năm qua, có rất nhiều thế hệ cựu sinh viên đã và đang hợp tác, đồng hành cùng tập thể giảng viên, người học, người lao động của Nhà trường để vươn đến những thành tựu đáng tự hào. Kể từ năm 2022, Nhà trường bước sang giai đoạn chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tự chủ đại học, đối mặt với rất nhiều thách thức nhưng cũng tràn đầy cơ hội để vươn đến tầm cao mới. Công tác kết nối và phát triển cộng đồng cựu sinh viên chính là một trong những chiến lược để Nhà trường tận dụng những cơ hội để vượt qua thử thách phía trước.

    Cộng đồng Cựu sinh viên Khoa học là tập hợp tất cả cá nhân đã từng được đào tạo tại Trường Đại học Khoa học Sài Gòn – Trường Đại học Tổng hợp TP. HCM (khối ngành Khoa học) – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Ngày Kết nối Cộng đồng Cựu sinh viên Khoa học là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức, nhằm kết nối các thế hệ cựu sinh viên suốt các giai đoạn hình thành và phát triển của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM.

    Đây sẽ là dịp để các cựu sinh viên quay về tri ân nơi đã từng được học tập, gặp gỡ lẫn nhau, nhìn nhận quá trình hình thành, phát triển và những định hướng phát triển trong thời gian tới của Nhà trường, từ đó tham gia sâu sát hơn vào các hoạt động của Cộng đồng Cựu sinh viên để góp phần tăng cường sự kết nối và hợp tác đối với sự phát triển của các bên liên quan.Sự kiện này không phải là hoạt động duy nhất dành cho Cộng đồng Cựu sinh viên, mà chỉ là dịp để tạo bối cảnh cho sự bắt đầu của những hoạt động ở cấp độ các niên khóa hoặc các khoa trong chặng đường sắp tới, tạo động lực cho thúc đẩy sự kết nối bền chặt của các thế hệ sinh viên của Nhà trường. Do đó Ban tổ chức sự kiện này cũng rất hy vọng những cựu sinh viên có mong muốn quay trở về để đóng góp nguồn lực và hợp tác với Nhà trường hãy đăng ký tham dự.

    Sự kiện được tổ chức bởi Ban đại diện lâm thời Cộng đồng Cựu sinh viên Khoa học và các nhân sự do Hiệu trưởng Nhà trường chỉ định tham gia công tác điều phối và tổ chức. Đây là hoạt động xã hội hóa và mang tính chất phi lợi nhuận.

    ——————————————————————————————————-

    THÔNG TIN VỀ SỰ KIỆN:

    1. Thời gian: 07g30 – 14g00, ngày 14/08/2022 (Chủ nhật)

    2. Địa điểm: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM cơ sở 2, Khu đô thị ĐHQG-HCM (Thành phố Thủ Đức).

    3. Đối tượng tham gia:- Thành viên Cộng đồng Cựu sinh viên Khoa học có sự quan tâm đến định hướng phát triển của Nhà trường và mong muốn đồng hành, kết nối nguồn lực cùng Nhà trường.- Tập thể lãnh đạo, thành viên Hội đồng trường.- Lãnh đạo các đơn vị đối tác chiến lược với Nhà trường- Các nhà khoa học có phát minh, sáng chế, sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản phẩm đã và đang trong quá trình nghiên cứu tiền sản xuất hoặc thương mại hóa.- Các nhà giáo lão thành.

    4. Số lượng tham gia: Ban tổ chức tổ chức phát hành tổng cộng 500 vé (bao gồm vé mời và vé tham dự sự kiện), ưu tiên cho những cựu sinh viên đăng ký sớm và xác nhận đăng ký thành công.

    5. Đăng ký tham dự: https://tinyurl.com/HCMUSAlumniDay2022

    Quý cựu sinh viên có thể cập nhật thông tin chi tiết về sự kiện tại fanpage: https://www.facebook.com/HCMUSAlumni hoặc ứng dụng HCMUS Alumni Event trên nền tảng App Store và Google Play

  • Viện Tế bào gốc trao đổi hợp tác về công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc Modulatist với Viện Y Khoa Hồng Anh và GS Brendon Noble (Đại học Westminster)

    Viện Tế bào gốc trao đổi hợp tác về công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc Modulatist với Viện Y Khoa Hồng Anh và GS Brendon Noble (Đại học Westminster)

    Sáng nay 15/7/2022, phiên thảo luận thứ 4 về việc hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc Modulatist giữa Viện Tế bào gốc và Viện Y khoa Hồng Anh (Hong Anh Medical Campus) cùng với GS Brendon Noble (Đại học Westminster, Anh Quốc; và UK Stem Cell Foundation) đã diễn ra với các kết quả tốt đẹp tại Viện Tế bào gốc, Trường Đại học KHTN, ĐHQG Tp.HCM.

    Viện Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM là đơn vị sở hữu công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc Modulatist –  một sản phẩm chứa tế bào gốc từ dây rốn người. Modulatist được nghiên cứu cẩn thận trong nhiều năm sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, trong đó có 2 công nghệ do Viện Tế bào gốc phát triển. Một trong 2 công nghệ đó đã được đăng kí sáng chế và cấp bằng vào năm 2019 và công nghệ còn lại được bảo mật ở dạng bí mật công nghệ.

    Viện Y khoa Hồng Anh (Hong Anh Medical Campus) là một dự án do Công ty đầu tư tài chính Real Capital London (trụ sở London, Vương Quốc Anh) và công ty cổ phần đầu tư Y khoa Hồng Anh đầu tư. Nguồn vốn đầu tư cho dự án này dự kiến 156 triệu USD tại TP.HCM. Toàn bộ chuỗi cung ứng của dự án viện y khoa Hồng Anh được sự hỗ trợ từ chính phủ Anh, thông qua các tổ chức đại diện phát triển và vận hành là Healthcare UK, bộ Thương mại Vương quốc Anh (DIT) và lãnh sự quán Anh tại TP.HCM.

    GS Brendon Noble là Giáo sư về y học tái tạo, ông là trưởng khoa Khoa học Sự sống tại Đại học Westminster, Vương Quốc Anh, đồng thời là Chief Scientific Officer và Giám đốc Chiến lược của Quỹ Tế bào gốc Vương Quốc Anh (UK Stem Cell Foundation). Ông bắt đầu nghiên cứu tế bào gốc từ năm 1989 tại đại học Cambrigde. Ông nhận nhiều khoản tài trợ nghiên cứu từ Ủy ban Nghiên cứu Y khoa, Hội Hoàng gia Edinburgh, Quỹ Tế bào gốc UK, Công ty Pfizer, Novartis, Geron Corporation… Ông cũng là là người đồng sáng lập 2 công ty về trị liệu tế bào, được cấp bằng sáng chế nhiều công nghệ tế bào gốc.

    Ảnh 1: Đoàn chụp ảnh lưu niệm. GS Bredon Noble – Trưởng Khoa Khoa học Sự sống, Đại học Westminster (Áo vest đen giữa), PGS Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc (bên trái GS Brendon Noble), Bà Julieet Waterhouse – Giám đốc Điều hành Real Capital London (Bên phải GS Brendon), Ông Vương Tuấn – Đại diện Viện Y Khoa Hồng Anh (bìa phải).

    Tham gia buổi trao đổi, PGS. Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc đã chia sẻ lại những điểm mạnh của công nghệ tế bào gốc do Viện phát triển, đặc biệt công nghệ bảo quản tế bào gốc không dùng chất bảo quản lạnh của Viện là giải pháp tháo gỡ nút thắt trong việc ứng dụng rộng rãi với chi phí hợp lí cho các sản phẩm tế bào gốc. GS. Brendon Noble rất hứng thú với các kết quả mà Viện đã làm được, đặc biệt các công nghệ độc đáo trong việc sản xuất tế bào gốc trung mô quy mô lớn, chi phí thấp; và ông đặc biệt quan tâm công nghệ bảo quản lạnh không dùng chất bảo quản lạnh (Cryosave OTS) của Viện.

    Juliette Waterhouse – Giám đốc Điều hành của Real Capital London đã chia sẻ và bày tỏ mong muốn đồng hành và sẵn sàng hợp tác với Viện Tế bào gốc trong việc tiếp nhận công nghệ sản xuất sản phẩm Modulatist. Bà cũng đề nghị Viện hợp tác với GS Brendon Noble để tiếp tục nghiên cứu phát triển các hệ thứ 2, 3 của công nghệ Modulatist này với các tiêu chuẩn khắc khe của Châu Âu, Mĩ và Vương Quốc Anh. Các sản phẩm Modulatist sau khi được sản xuất theo các tiêu chuẩn như GMP-UK sẽ được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia trước khi xin phép lưu hành tại Anh và các quốc gia khác.

    Sau buổi trao đổi, đoàn cũng đến tham quan Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Sản xuất Thực nghiệm (Center for Innovation and Pilot Production) của Viện Tế bào gốc. Đây là nơi các kết quả nghiên cứu được hoàn thiện để phát triển thành sản phẩm có thể thương mại của Viện Tế bào gốc.

    Ảnh 2: Đoàn tham quan Trung tâm đổi mới sáng tạo và sản xuất thực nghiệm, Viện Tế bào gốc

    Kết thúc buổi trao đổi, các bên đã khẳng định sẽ kí kết hợp tác để chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm Modulatist của Viện Tế bào gốc cho Viện Y khoa Hồng Anh và các bên tiếp tục nghiên cứu để phát triển thế hệ Modultist 2, 3 cùng với ĐH Westminster để đạt các chuẩn mực cao hơn để có thể tiến hành các thử nghiệm lâm sàng tại Vương Quốc Anh và thương mại sản phẩm tại Vương Quốc Anh sau này.

    P.TTTT&TCSK

  • CHÀO ĐÓN 32 KHOÁ SINH CHƯƠNG TRÌNH STEM CELL SUMMER SCHOOL 2022 – ƯƠM MẦM TUỔI TRẺ

    CHÀO ĐÓN 32 KHOÁ SINH CHƯƠNG TRÌNH STEM CELL SUMMER SCHOOL 2022 – ƯƠM MẦM TUỔI TRẺ

    Sáng ngày 11 tháng 07 năm 2022, buổi chào đón khoá sinh nằm trong chương trình Stem Cell Summer School 2022 đã được diễn ra tại Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM

    Trong buổi chào đón khoá sinh, sự xuất hiện đặc biệt của thầy Phan Kim Ngọc – Nguyên Trưởng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc đã mang đến không khí trao đổi khoa học thú vị cùng những lời chia sẻ, động viên các khoá sinh năm nay.

    Bên cạnh đó, Thầy Phan Lữ Chính Nhân – Phó Viện Trưởng Viện Tế bào gốc phát biểu chào mừng các bạn đến với Stem Cell Summer School 2022, hi vọng rằng các bạn sẽ chủ động học hỏi thật nhiều điều bổ ích trong 20 ngày học tập tại chương trình.

    Vào chiều ngày 11/07/2022 và sáng ngày 12/07/2022, các khoá sinh sẽ bước vào buổi học tập trung giới thiệu về các kiến thức cơ bản trong phòng thí nghiệm như sinh học tế bào, sinh lí động vật, an toàn sinh học, an toàn phòng thí nghiệm.

    Chương trình Stem Cell Summer School 2022 quay trở lại sau 2 năm tạm dừng vì đại dịch Covid-19. Trong năm nay, chương trình có 7 hướng nghiên cứu để các bạn học sinh, sinh viên tham gia học tập gồm Sinh học ung thư, Tế bào gốc ung thư, Cơ xương khớp, Cell bank, LACU, Lão hoá da và nhóm Gan. Các khoá sinh sẽ được học tập trung để giới thiệu các kiến thức cơ bản và được trở về nhóm nghiên cứu thực hành trong 3 tuần. Ngày 29.07.2022, buổi tổng kết chương trình, các khoá sinh sẽ báo cáo hoạt động và tham gia ngoại khoá.

    P.TTTT&TCSK

  • THÔNG BÁO V/V TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ ĐỢT 3 NĂM 2022

    THÔNG BÁO V/V TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ ĐỢT 3 NĂM 2022

    Viện Tế bào gốc thông báo tuyển dụng nhân sự đợt 3 năm 2022 cho các vị trí sau:

    10 nhân viên thao tác/ sản xuất tế bào

    03 nhân viên kiểm soát chất lượng (QC)

    03 nhân viên đảm bảo chất lượng (QA)

    Vui lòng xem thông báo chi tiết tại đây

  • Trung tâm Đào tạo Y sinh Viện Tế bào gốc – Đơn vị chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn và truyền cảm hứng nghiên cứu

    Trung tâm Đào tạo Y sinh Viện Tế bào gốc – Đơn vị chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn và truyền cảm hứng nghiên cứu

    Trung tâm Đào tạo Y sinh (CBT) trực thuộc Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM, được thành lập vào năm 2019 hướng đến ba mục tiêu chính: đào tạo chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và đào tạo phục vụ, cộng đồng (Bio-world discovery).

    Đầu tiên, Trung tâm có sứ mệnh đào tạo chuyển giao các công nghệ cốt lõi của Viện Tế bào gốc cho các bệnh viện, phòng khám hoặc các đơn vị khác có nhu cầu tiếp nhận. Các công nghệ đang được chuyển giao như sản xuất tế bào, tế bào gốc, các chế phẩm từ tế bào hay tế bào gốc nhằm mục tiêu điều trị bệnh, thử nghiệm  điều trị các bệnh lý hiểm nghèo mà các liệu pháp khác còn nhiều hạn chế hoặc không có hiệu quả. Các công nghệ được chuyển giao là sản phẩm đúc kết sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm một cách nghiêm túc, đầu tư nhiều tâm huyết và sự cầu thị. Khi tiếp nhận công nghệ, các đơn vị được hỗ trợ từ quy trình kỹ thuật công nghệ, đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, cán bộ nghiên cứu thuần thục về tay nghề, hỗ trợ xây dựng, đến thiết kế hệ thống phòng lab đến hoàn thiện hồ sơ thủ tục xin giấy phép thử nghiệm và điều trị. Một số đại diện trong hệ thống mạng lưới tế bào gốc mà CBT đã thực hiện đào tạo chuyển giao công nghệ như: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạn, Bệnh viện Quốc tế DNA, Bệnh viện Trung ương Quân đội 105, Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Bệnh viên Newlife, Thẩm mỹ viện Xuân Trường…

    Lớp học thực hành thuộc khóa đào tạo FCM của Trung tâm đào tạo Y sinh, Viện Tế bào gốc

    Thứ hai, nhu cầu bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ y-sinh chưa bao giờ giảm, nhất là trong kỷ nguyên công nghệ sinh học đang hưng thịnh và có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong nhiều khía cạnh của đời sống, xã hội. CBT đang từng bước mở rộng hệ thống chương trình đào tạo cho nhóm nhu cầu này. Các lớp đào tạo trải rộng từ in vitro đến in vivo, từ kỹ thuật phân lập, nuôi cấy, bảo quản tế bào, tế bào gốc đến các kỹ thuật phân tích chuyên sâu như flow cytometry, đánh giá đường cong tăng trưởng, các thí nghiệm sinh học phân tử, thí nghiệm trên mô hình động vật. Với đội ngũ cán bộ dày dặn về kinh nghiệm, chuyên môn, CBT đang từng bước tham gia vào sứ mệnh đào tạo lực lượng cán bộ nghiên cứu, chuyên viên, kỹ thuật viên; nâng cao năng lực nghiên cứu, định hướng nghề nghiệp cho đối tượng sinh viên, học viên trong các lĩnh vực liên quan đến y-sinh học nói chung, tế bào, tế bào gốc nói riêng.

    Lớp học lí thuyết do PGS.TS Phạm Văn Phúc ( áo đen, ở giữa) giảng dạy tại Trung tâm đào tạo Y sinh, Viện Tế bào gốc

    Thứ ba, CBT nhắm đến việc truyền cảm hứng khám phá thế giới sinh học (bio-world discovery), nghiên cứu y sinh học cho các đối tượng học sinh thông qua các khoá học ngắn và dễ tiếp cận. Học viên có thể tiếp cận với thế giới sinh học thông qua các tiêu bản máu, tiêu bản mô học đã được chuẩn bị sẵn, các thao tác đơn giản trên chuột, thỏ hay các động vật thí nghiệm khác…Các khoá học được thiết kế với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện của các bạn học sinh và có thể dễ dàng tổ chức theo đội, nhóm khi liên kết với các trường THCS, THPT…

    Giảng viên có trình độ chuyên môn cao

    Từ khi thành lập đến nay, CBT đã tổ chức được gần 40 lớp đào tạo kỹ thuật và chuyển giao công nghệ phân lập, nuôi cấy, bảo quản tế bào gốc, flow cytometry, sản xuất huyết tương giàu tiểu cầu, viết bản thảo khoa học v.v… Chương trình đào tạo của trung tâm đang từng bước được mở rộng, đa dạng hoá bao gồm 15 lớp chuyển giao công nghệ, hơn 50 lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, 10 lớp thuộc chuyên mục bio-world discovery. CBT hi vọng quý bạn đọc gần xa sẽ tiếp tục trở thành các mắc xích kết nối với trung tâm trong các hoạt động chuyển giao công nghệ và đào tạo y sinh.

    Đăng kí ngay các khóa đào tạo của Trung tâm Đào tạo Y sinh

    Trung tâm Đào tạo Y sinh, Viện Tế bào gốc

  • ĐỘI BÓNG LACUTE NÂNG CAO CÚP VÔ ĐỊCH GIẢI BÓNG ĐÁ VIỆN TẾ BÀO GỐC LẦN 1 -2022

    ĐỘI BÓNG LACUTE NÂNG CAO CÚP VÔ ĐỊCH GIẢI BÓNG ĐÁ VIỆN TẾ BÀO GỐC LẦN 1 -2022

    Giải bóng đá Viện Tế bào gốc lần 1-2022 được tổ chức để nâng cao tinh thần thể thao, tinh thần đoàn kết nội bộ hòa trong không khí chào mừng 5 năm thành lập Viện Tế bào gốc diễn ra từ ngày 31/05/2022 đến 10/06/2022

    Lần đầu tiên tổ chức, Giải bóng đá Viện Tế bào gốc mang tinh thần giao lưu, học hỏi giữa các đội bóng nội bộ của Viện Tế bào gốc. Tuy nhiên tính chuyên môn vẫn được chú trọng để đảm bảo công bằng cho giải đấu.

    Chiếc cúp của Giải bóng đá Viện Tế bào gốc lần 1 -2022

    Giải bóng đá gồm 3 đội bóng : LACUTE (nhân sự phòng thí nghiệm LACU và Sinh viên học viên), CRD (nhân sự phòng thí nghiệm CRD), CIPP (nhân sự trung tâm CIPP)

    Các cầu thủ hết mình trên sân cỏ
    Những pha bóng đầy kịch tính

    Trải qua các vòng thi đấu, đội bóng LACUTE xuất sắc giành chiến thắng, nâng cao chiếc cúp vô địch của giải bóng đá Viện Tế bào gốc lần đầu tiên.

    Kết quả chung cuộc:

    • Vô địch : LACUTE
    • Giải nhì: CRD
    • Giải ba: CIPP
    Đội bóng LACUTE nâng cao cúp vô địch
    Đội bóng CRD nhận cờ lưu niệm với thành tích giải nhì
    Đội bóng CIPP nhận cờ lưu niệm với thành tích giải ba
    Cảm ơn các đội bóng đã tạo lên một mùa giải thành công !

    Giải bóng đá đã mang đến những giây phút đầy tính thể thao sau giờ làm việc. Chúc mừng giải bóng đá thành công tốt đẹp. Chúc mừng 5 năm thành lập Viện Tế bào gốc. Hẹn gặp lại các bạn ở mùa giải sau !

    Phòng TTTT&TCSK

  • Viện Tế bào gốc cùng Bệnh viện Nhi đồng 1 nghiên cứu điều trị bệnh loạn sản phế quản-phổi ở trẻ bằng tế bào gốc

    Viện Tế bào gốc cùng Bệnh viện Nhi đồng 1 nghiên cứu điều trị bệnh loạn sản phế quản-phổi ở trẻ bằng tế bào gốc

    Loạn sản phế quản – phổi (LSPQP) (BPD: broncho-pulmonary dysplasia) là biến chứng thường gặp nhất ở trẻ sinh non, nhất là sơ sinh cực non (<28 tuần), cực nhẹ cân (<1000g). Tần suất LSPQP đang có chiều hướng gia tăng do trẻ sơ sinh sinh non, cực nhẹ cân sinh sống ngày càng nhiều hơn trên thế giới và ở Việt Nam nhờ những tiến bộ trong hồi sức sơ sinh. Hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị (trước, trong, sau sinh) nhưng kết quả đều không như mong đợi: hỗ trợ hô hấp và cung cấp oxygen, surfactant, corticosteroid, lợi tiểu, giãn phế quản, dinh dưỡng, vitamin A, vật lý trị liệu. Trong các bệnh pháp điều trị mới phát triển, điều trị bằng cách truyền tế bào gốc trung mô đang được quan tâm và bước đầu cho các kết quả khả quan. Trên cơ sở đó, với thế mạnh công nghệ sản xuất tế bào gốc quy mô lớn, Viện Tế bào gốc, Trường ĐH KHTN đã bắt đầu hợp tác với Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM để thử nghiệm áp dụng phương pháp điều trị mới này trên bệnh nhân loạn sản phế quản-phổi.

    Từ tháng 9/2021 đến nay, hai bên đã có nhiều thảo luận học thuật để thống nhất quy trình điều trị, đề cương và thuyết minh dự án trước khi trình và xin phép các cơ quan chức năng cho phép thực hiện phương pháp này đúng với quy định của pháp luật hiện hành về thử nghiệm lâm sàng.

    Dự kiến theo quy trình điều trị này, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng tế bào gốc trung mô thu từ dây rốn được sản xuất theo công nghệ Modulatist do Viện Tế bào gốc phát triển. Bệnh nhân sẽ được theo dõi theo các tiêu chí đánh giá loạn sản phế quản-phổi theo Hội Lồng ngực Hoa kỳ 2016, và thông qua đó để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị mới này.

    Công nghệ sản xuất sản phẩm Modulatist là công nghệ sản xuất chế phẩm sử dụng như thuốc từ tế bào gốc trung mô thu từ dây rốn người. Công nghệ này được đầu tư nghiên cứu cẩn thận nhờ chương trình tài trợ đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học (FIRST) của Bộ Khoa học và Công nghệ với nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới. Công trình đã được nghiệm thu vào năm 2019. Hiện nay công nghệ sản xuất tế bào gốc từ dây rốn người này đã được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm lâm sàng để điều trị bệnh đái tháo đường và bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính.

    Theo kế hoạch, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình các cơ quan chức năng xin phép thực hiện trong năm 2022.

    Hình 1. Quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm Modulatist của Viện Tế bào gốc.

    Phòng TTTT&TCSK

  • CHÚC MỪNG 5 NĂM THÀNH LẬP VIỆN TẾ BÀO GỐC, TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC TỰ NHIÊN, ĐHQG-HCMNĂM THÀNH LẬP VIỆN TẾ BÀO GỐC, TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC TỰ NHIÊN, ĐHQG-HCM (12/06/2017 – 12/06/2022)

    CHÚC MỪNG 5 NĂM THÀNH LẬP VIỆN TẾ BÀO GỐC, TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC TỰ NHIÊN, ĐHQG-HCMNĂM THÀNH LẬP VIỆN TẾ BÀO GỐC, TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC TỰ NHIÊN, ĐHQG-HCM (12/06/2017 – 12/06/2022)

    Ra đời từ năm 2017 có tiền thân là Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng Tế bào gốc, Viện Tế bào gốc là cơ sở khoa học công nghệ tự chủ tài chính trực thuộc trường ĐH KHTN theo quyết định số 360/KHCN do Hiệu trưởng trường ĐH KHTN kí ngày 12.06.2017.

    Tập thể Viện Tế bào gốc, Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM

    Trải qua 5 năm hình thành và phát triển, Viện Tế bào gốc đã từng bước khẳng định được uy tín trong việc theo đuổi sứ mạng nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tế bào gốc với trọng tâm là y học tái tạo, góp phần vào phát triển và ứng dụng y học tái tạo cho đất nước.

    Trong những năm qua, Viện Tế bào gốc đã không ngừng học hỏi, hoàn thiện và phát triển để thực hiện 05 mục tiêu chính
    1. Đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trình độ cao về tế bào gốc và công nghệ sinh học
    2. Đơn vị mạnh trong nghiên cứu triển khai, ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi, mang tính đột phá trong lĩnh vực chuyên ngành
    3. Đơn vị mạnh trong tư vấn thiết kế, chuyển giao các công nghệ về tế bào gốc và công nghệ sinh học có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao nhằm phục vụ hiệu quả cho nhu cầu của xã hội
    4. Đơn vị dẫn đầu trong đào tạo học viên cao học, nghiên cứu sinh, kỹ thuật viên và chuyên viên trong lĩnh vực tế bào gốc tại Việt Nam, có năng lực ngang tầm quốc tế
    5. Đơn vị dẫn đầu về liên kết, hợp tác đa ngành, ứng dụng các công nghệ lõi trong lĩnh vực tế bào gốc và công nghệ sinh học trong nước và quốc tế

    🌱 Kế thừa và tiếp nối những thành quả nghiên cứu từ PTN Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Viện Tế bào gốc đã không ngừng đổi mới sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu về khoa học công nghệ nổi bật. Với lợi thế đội ngũ nghiên cứu viên trẻ, nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn cao cùng với sự đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất và các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ hiệu quả cho quá trình nghiên cứu, nhiều sản phẩm phục vụ cho quá trình phân lập, nuôi cấy, tăng sinh và ứng dụng tế bào gốc đã được Viện Tế bào gốc chuyển giao cho nhiều bệnh viện lớn góp phần chữa trị cho hàng ngàn bệnh nhân.

    RGML PRP Kit – sản phẩm tách huyết tương giàu tiểu cầu được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Tế bào gốc, Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM

    🔴 Một số thành tựu về KHCN của Viện Tế bào gốc có thể kể đến như:

    💡 Thuốc tế bào gốc Cartilatist
    Thuốc tế bào gốc Cartilatist_ thuốc tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam. Sau 10 năm nghiên cứu và phát triển, thuốc tế bào gốc Cartilastist ra đời ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp gối và thoái hóa đĩa đệm cột sống.

    💡 Công nghệ huyết tương giàu tiểu cầu 5PRP
    Công nghệ huyết tương giàu tiểu cầu 5PRP với Công nghệ li tâm đẳng tỉ trọng phân tách hiệu quả tiểu cầu ra khỏi bạch cầu và hồng cầu. Công nghệ li tâm đẳng tỉ trọng giúp tỉ lệ thu hồi tiểu cầu đạt đến 95%, độ tinh sạch của tiểu cầu đạt đến 98% ứng dụng trong quá trình lành hoá vết thương, tái tạo các mô bị tổn thương.
    💡 Công nghệ AD-SCI
    Là công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô từ mô mỡ người. AD-SCI đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng tế bào gốc trung mô từ mô mỡ để ứng dụng trên người.
    💡 Công nghệ UC-SCI
    Là công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn người hoàn thiện từ quá trình phân lập, tăng sinh, biến đổi và bảo quản tế bào gốc

    🌅 Ngay từ những ngày đầu thành lập, Viện Tế bào gốc luôn coi trọng công tác hợp tác quốc tế. Có thể nói, Viện đã hòa nhập mạnh mẽ, sâu rộng công nghệ tế bào gốc của thế giới. Viện đã và đang trở thành các đối tác chiến lược với các trường đại học, công ty lớn trên thế giới như Đại học UCLA, Mỹ; đại học JeJu- Hàn Quốc; đại học Yonsei – Hàn Quốc, Đại học Geogia, Mỹ, công ty BD Bioscience… Bên cạnh đó, Viện còn đón tiếp rất nhiều Viện Tế Bào Gốc đón tiếp rất nhiều các Giáo Sư đến từ nhiều trường đại học trên toàn quốc đến trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất tế bào gốc.

    Xuất bản tạp chí và tổ chức hội nghị quốc tế cũng là bước đi đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ của Viện Tế bào gốc. Các tạp chí khoa học Biomedical Research and Therapy, Progress in Stem Cell … của Viện ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng. Hội thảo quốc tế do Viện Tế bào gốc tổ chức từ năm 2013 thu hút các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới cùng nhau chia sẻ, trao đổi các vấn đề trong việc đổi mới nghiên cứu ung thư và y học tái tạo.

    Sinh viên Viện Tế bào gốc, Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM

    🔥 Với mong muốn thực hiện sứ mệnh đào tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tế bào gốc, là một trong những viện nghiên cứu hàng đầu việt nam, Viện Tế bào gốc tự hào là nơi lan tỏa tri thức, nuôi dưỡng ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên.Cuộc thi học thuật Ý tưởng Sáng tạo Tế bào gốc – Stem Cell Innovation đã trở thành sân chơi khoa học đầy thú vị cho các bạn học sinh THPT, sinh viên trong nhiều năm qua vào dịp đầu năm học mới.
    Chương trình Stem Cell Summer được tổ chức để mang lại cơ hội tiếp cận với nhiều hơn quá trình nghiên cứu khoa học, khơi gợi sự đam mê, yêu thích của các bạn học sinh, sinh viên vào mùa hè hằng năm. Chương trình bao gồm cuỗi hoạt động tham quan PTN và tham gia trực tiếp vào nhóm nghiên cứu để thực hiện các đề tài khoa học.Những hoạt động cộng đồng nêu trên luôn được Viện Tế bào gốc chú trọng, quan tâm và tổ chức chu đáo để góp phần thắp lên ngọn lửa đam mê, làm cho những “tế bào gốc” còn ấp ủ trong các bạn được tăng sinh và biệt hóa.Với sự đầu tư đồng bộ về trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ cán bộ trẻ, khỏe, chuyên môn cao, đầy nhiệt huyết, Viện Tế bào gốc đã có những bước đi vững chắc trên con đường thực hiện sứ mệnh của mình, góp phần không nhỏ cho nền y học của nước nhà, khẳng định phương châm “dẫn đầu đổi mới sáng tạo tế bào gốc” ngày càng mạnh mẽ

    CHÚC MỪNG VIỆN TẾ BÀO GỐC TUỔI MỚI NGÀY CÀNG THÀNH CÔNG VÀ PHÁT TRIỂN

    Phòng TTTT&TCSK

  • 05 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VIỆN TẾ BÀO GỐC: SỰ CÂN BẰNG ĐỘNG GIỮA NGHIÊN CỨU CƠ BẢN, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO,  SẢN XUẤT THỰC NGHIỆM VÀ THƯƠNG MẠI CÔNG NGHỆ

    05 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VIỆN TẾ BÀO GỐC: SỰ CÂN BẰNG ĐỘNG GIỮA NGHIÊN CỨU CƠ BẢN, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, SẢN XUẤT THỰC NGHIỆM VÀ THƯƠNG MẠI CÔNG NGHỆ

    Nghiên cứu cơ bản có thể được coi là bước đầu tiên trong quá trình tạo ra tri thức hoặc sự đổi mới. Tri thức được công nhận là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Do đó, việc đảm bảo kinh phí và trợ cấp cho nghiên cứu cơ bản, duy trì và nuôi dưỡng quá trình sáng tạo, nhằm tạo ra tri thức và cải thiện chất lượng của cuộc sống là điều cần thiết. Từ nghiên cứu cơ bản (khám phá) sẽ thúc đẩy đổi mới (phát minh), cuối cùng là thương mại hóa. Lợi nhuận thu được từ thương mại hóa các phát minh sẽ đem lại sự phát triển kinh tế tri thức, sự xoay vòng kinh phí để nuôi dưỡng nghiên cứu cơ bản và cải thiện thu nhập của các nhà khoa học thông qua các quy chế về sở hữu trí tuệ. Sự cân bằng động giữa 3 yếu tố NGHIÊN CỨU – SẢN XUẤT – THƯƠNG MẠI là điều cốt yếu để giúp tạo ra thế chân vạc vững chắc và thúc đẩy cả 3 yếu tố trên cùng phát triển trong thời đại kinh tế tri thức.

    Nghiên cứu cơ bản trong nền kinh tế tri thức

    Trong lịch sử thế giới hiện đại, tốc độ tiến bộ công nghệ nhanh chóng đã dẫn dắt nền kinh tế nhiều quốc gia tiến lên trong hai thế kỷ qua không phải là điều hiển nhiên. Rõ ràng, sự tăng trưởng của các nền kinh tế ở các nước công nghiệp phát triển chủ yếu được thúc đẩy bởi việc theo đuổi nghiên cứu khoa học, thực hiện các giải pháp kỹ thuật sáng tạo và dòng đổi mới công nghệ liên tục. Hiện nay, nền tảng tri thức của các nền kinh tế hiện đại đã tăng lên một cách đều đặn, và khả năng sản xuất và thương mại hóa tri thức của một xã hội là rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ví dụ, nghiên cứu y sinh học đã mang lại lợi ích kinh tế và phúc lợi lớn. Sự gia tăng tuổi thọ trong thế kỷ 20 nói chung là nhờ những cải tiến về thuốc, vắc xin, kháng sinh, các phương pháp chẩn đoán tiên tiến và các đột phá điều trị y tế khác.

    Tại Mỹ, vắc xin bại liệt giúp tiết kiệm 2 tỷ đô la mỗi năm, phòng ngừa gãy xương hông ở phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ loãng xương giúp tiết kiệm 333 triệu đô la mỗi năm, ghép thận, cải thiện hiệu quả và an toàn, tiết kiệm từ 360-480 triệu đô mỗi năm từ việc giảm chi phí điều trị. Điều trị ung thư tinh hoàn đã tiết kiệm mỗi năm 134,0-178,7 triệu đô la từ việc cải thiện tỷ lệ sống sót và giảm tỷ lệ tử vong sớm. Sức mạnh của nghiên cứu không chỉ được chứng minh bằng những đổi mới đơn lẻ mà còn bằng khả năng tạo ra toàn bộ các ngành công nghiệp mới, chẳng hạn như sinh học phân tử (kỹ thuật di truyền), từ đó dẫn đến các phương thức điều trị mới và sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học. Tiềm năng của những phát triển này đối với chăm sóc sức khỏe chỉ mới bắt đầu được nhận ra. Rõ ràng là các trường đại học, các viện nghiên cứu mà chính xác hơn là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kỹ sư đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Để lợi ích của nghiên cứu cơ bản trong trường đại học được thể hiện trong nền kinh tế, kiến ​​thức được tạo ra từ nghiên cứu cơ bản cần phải được chuyển hóa một cách hiệu quả thành giá trị kinh tế.

    Không thể chối cãi rằng công nghệ sinh học là chìa khóa quan trọng để tạo ra công nghệ cho thế kỷ 21. Khoa học sinh học đã và đang gia tăng giá trị cho một loạt các sản phẩm và dịch vụ, mang lại lợi ích “Kinh tế sinh học” và mang lại tiềm năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế sinh học sẽ bị ảnh hưởng bởi sự hỗ trợ nghiên cứu từ cộng đồng, các quy định và quyền sở hữu trí tuệ. Ngành công nghệ sinh học đã nổi lên như một lĩnh vực tăng trưởng chính trong ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1970, thị trường công nghệ sinh học đã cho thấy sự phát triển vượt bậc, đạt khoảng 128 tỷ đô la vào năm 2009 (Niên giám Công nghệ Sinh học, 2010). Ngày nay, có hơn 250 dược phẩm sinh học và vắc xin, với hàng trăm loại khác đang được triển khai.

    Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu tại Viện Tế bào gốc

    Viện Tế bào gốc, với nội lực nghiên cứu dày dặn trong 5 năm qua, với nhiều kết quả nghiên cứu đã tích lũy có tiềm năng thương mại, đã thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Sản xuất Thực nghiệm để chủ động sản xuất thử nghiệm các kết quả nghiên cứu có tiềm năng. Những sản phẩm từ nghiên cứu được thương mại hóa đã mang lại những nguồn thu tài chính, giúp Viện có thể chủ động đầu tư trở lại cho những nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

    Thật vậy, kể từ khi thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Sản xuất Thực nghiệm, Viện Tế bào gốc đã cho ra đời nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học cao dựa vào các kết quả nghiên cứu từ chính các nhà khoa học của Viện để đưa vào phục vụ các nhu cầu trong cuộc sống. Ngoài các sản phẩm như môi trường nuôi cấy tế bào gốc trung mô, các sản phẩm như thuốc tế bào gốc, mỹ phẩm tế bào gốc đều được nghiên cứu và phát triển tại Viện Tế bào gốc, đã trở thành sản phẩm độc quyền và chuyển giao thành công cho nhiều đơn vị bệnh viện, cơ sở điều trị và thẩm mỹ trong ngoài nước.

    Từ những nguồn thu nhờ việc thương mại hóa sản phẩm, Viện Tế bào gốc đã và đang cố gắng để có thể tự thân chủ động nguồn lực tài chính, nuôi dưỡng những nghiên cứu cấp cơ sở. Những nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào cải tiến chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, và tạo ra những ý tưởng để phát triển sản phẩm mới. Ngoài ra, việc thương mại hoá sản phẩm từ những nghiên cứu cơ bản của các nhà khoa học tại Viện Tế bào gốc cũng giúp cải thiện nguồn thu nhập cho cán bộ nhân viên của đơn vị. Với quy chế sỡ hữu trí tuệ của Viện Tế bào gốc, các nhà khoa học sẽ được chi trả chiết khấu cho các sản phẩm được thương mại hoá thành công. Đây cũng là phần thưởng cũng như khuyến khích sự cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học làm việc tại đây.

    Như vậy, thế chân vạc Nghiên cứu – Sản xuất – Thương mại đã giúp Viện Tế bào gốc tự chủ tài chính để nuôi dưỡng và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu. Nghiên cứu đổi mới sáng tạo là bộ xương, là linh hồn của một tổ chức nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu cơ bản có thể được coi là bước đầu tiên trong quá trình tạo ra tri thức hoặc quá trình đổi mới. Sản xuất và thương mại hoá các kết quả nghiên cứu cũng giống như dòng máu chảy trong huyết mạch quay trở lại nuôi dưỡng và làm phát triển những nghiên cứu cơ bản cũng như đội ngũ thực hiện. Sự cân bằng động giữa 3 yếu tố trên đã giúp cho Viện Tế bào gốc ngày càng trưởng thành và lớn mạnh trong dòng chảy của nền kinh tế trí thức thời đại 4.0.

    Nguyễn Trường Sinh; Trương Châu Nhật

    Viện Tế bào gốc là cơ sở khoa học công nghệ tự chủ tài chính trực thuộc trường ĐH KHTN theo quyết định số 360/KHCN do Hiệu trưởng trường ĐH KHTN kí ngày 12.06.2017. Trải qua 5 năm hình thành và phát triển, Viện Tế bào gốc đã từng bước khẳng định được uy tín trong việc theo đuổi sứ mạng nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tế bào gốc với trọng tâm là y học tái tạo, góp phần vào phát triển và ứng dụng y học tái tạo cho đất nước.
    2022 – Viện Tế bào gốc chào mừng 05 năm thành lập với chủ đề “Rising to the challenge – Vượt lên thử thách” để cùng nhìn lại hành trình xây dựng và phát triển trong suốt thời gian qua.