Sau thời gian đăng kí, lập đội và họp chuyên môn, giải bóng đá chào mừng kỉ niệm 5 năm thành lập Viện TBG mang tên “GIẢI BÓNG ĐÁ VIỆN TẾ BÀO GỐC LẦN 1” chuẩn bị khởi tranh với những trận cầu nảy lửa đến từ các cán bộ – nhân viên Viện Tế bào gốc và sinh viên, học viên cao học Viện Tế bào gốc.
* Lịch thi đấu cụ thể như sau: Trận 1: CIPP vs. CRD (31/5/2022) Trận 2: CIPP vs. HSSV SCI (2/6/2022) Trận 3: CRD vs. HSSV SCI (7/6/2022) Trận 4: Chung kết (9/6/2022)
Các trận đấu đều sẽ được diễn ra từ 18h00-19h00 tại sân bóng đá Quốc Phòng, khu đô thị ĐHQG-HCM Xin trân trọng thông báo và mong nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ các thầy cô anh chị <3 TM. BTC
Sau thời gian tạm hoãn vì đại dịch Covid-19, Chương trình Stem Cell Summer do Viện Tế bào gốc và PTN NC&UD Tế bào gốc tổ chức đã quay trở lại.
Chương trình Stem Cell Summer 2022 có hai nội dung bao gồm Stem Cell Summer Tour và Stem Cell Summer School mang đến nhiều cơ hội trải nghiệm thú vị cho các bạn học sinh, sinh viên trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng mở rộng quy mô để chào đón các đoàn tham quan theo nhóm, trường được quyền đăng kí riêng phù hợp với kế hoạch của mỗi đơn vị.
Trong lần trở lại này, hi vọng Stem Cell Summer sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và đăng kí tham gia đến từ các bạn học sinh, sinh viên, các trường THPT, Cao Đẳng, Đại học và trên toàn quốc.
Thông tin chi tiết vui lòng xem kế hoạch đình kèm và thư ngỏ.
Sáng ngày 7/5/2022, sự kiện Hội thảo và thực hành Công nghệ hình ảnh siêu phân giải trên kính hiển vi đồng tiêu (confocal) ZEISS LSM với airyscan được diễn ra nhằm giới thiệu công nghệ tiên tiến này cũng như ứng dụng trong nghiên cứu khoa học tại Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM.
Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi công ty Carl Zeiss Vietnam và Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM tạo cơ hội cho các nhà khoa học có thể chụp mẫu bằng kính hiển vi đồng tiêu (confocal) ZEISS LSM với airy scan kéo dài từ ngày 9/5/2022 đến ngày 27/5/2022.
Sự kiện hân hạnh được đón tiếp đại diện công ty Carl Zeiss Vietnam, ông Lê Vũ Hà – Giám đốc kinh doanh mảng kính hiển vi tại Việt Nam và ông Phan Lữ Chính Nhân – Phó Viện trưởng Viện Tế bào gốc. Thay mặt công ty Carl Zeiss Vietnam, ông Trần Hữu Phúc Đạt – quản lí kinh doanh khu vực phía Nam bày tỏ niềm phấn khởi khi sự kiện cũng như công nghệ hình ảnh siêu phân giải nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và mong muốn đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học có thể tạo ảnh đồng tiêu siêu phân giải cho mẫu thí nghiệm của mình.
Tại buổi hội thảo, các báo cáo viên trình bày về những công nghệ mới, nổi bật và đột phá trong mảng kính hiển vi, đặc biệt là công nghệ trong kính hiển vi đồng tiêu siêu phân giải Zeiss LSM 900 với Airy Scan và ứng dụng trong nghiên cứu khoa học. Sau đó, buổi thực hành giới thiệu thao tác trực tiếp trên kính hiển vi thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Buổi thực hành trực tiếp trên kính cho thấy những đặc điểm đột phá của công nghệ này so với kính hiển vi thông thường.
Kính hiển vi Zeiss LSM 900 với Air scan được đặt tại Viện Tế bào gốc đến ngày 27/5/2022. Nằm trong khuôn khổ của sự kiện, nếu các nhà khoa học có mẫu thí nghiệm và mong muốn trải nghiệm công nghệ hình ảnh siêu phân giải có thể mang đến hoặc gửi mẫu cho chúng tôi thông qua email: dat.tran@zeiss.com
Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Viện Tế bào gốc, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG -HCM và Công ty Carl Zeiss Pte. Ltd. ZEISS LSM 900 với Airyscan_Hệ thống đồng tiêu tinh gọn dành cho chụp ảnh đa kênh và phân tích thông minh. Giải pháp thiết kế đột phá trong tạo ảnh đồng tiêu siêu phân giải chất lượng tốt nhất.Landing page: https://www.zeiss.com.sg/mic…/cmp/ind/22/zoyc-vietnam.html
Chương trình hội thảo Thứ Bảy, Ngày 7 Tháng 5 Năm 2022 08:30 – 09:00 Đón khách. 09:00 – 09:40 Công nghệ hiển vi trong quan sát mẫu sống. 09:40 – 10:20 Giới thiệu về kính hiển vi đồng tiêu confocal và các ứng dụng trong nghiên cứu Y Sinh. 10:20 – 10:40 Giải lao – Tiệc trà 10:40 – 11:30 Bài chia sẻ ứng dụng từ Viện Tế bào gốc 11:30 – 13:30 Giải lao – Ăn trưa 13:30 – 14:00 Tham quan Viện Tế Bào Gốc 14:00 – 16:00 Demo và Thực hành trên thiết bị 16:00 – 16:30 Bế mạc và Trao chứng nhận
Vào ngày 15/4/2022, Viện Tế bào gốc và Công ty Esco Aster Singapore đã có buổi làm việc thân mật tại Viện Tế bào gốc, Trường ĐH KHTN, ĐHQG Tp.HCM để thảo luận về các nội dung hợp tác và tiến trình hợp tác giữa 2 bên trong việc hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất tế bào gốc quy mô lớn. Trong hợp tác này, Viện tế bào gốc sẽ cung cấp công nghệ nuôi cấy và Công ty Esco Aster sẽ cung cấp hệ thống thiết bị phục vụ cho nuôi cấy.
Tại Viện Tế bào gốc, Trường ĐH KHTN, ĐHQG Tp.HCM, ông Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc đã làm việc với ông XL Lin – Người sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành công ty Esco Aster (công ty con độc lập của tập đoàn Esco Lifesciences trụ sở chính tại Singapore). Hai bên đã thảo luận về các công nghệ của 2 bên đang phát triển và thương mại để xây dựng nội dung và lộ trình hợp tác trong việc sản xuất tế bào gốc quy mô lớn.
Trong buổi họp, phía Công ty Esco Aster đã giới thiệu giải pháp nuôi cấy tế bào gốc quy mô lớn sử dụng hệ thống CelCradle với chi phí hợp lí và khả năng tăng quy mô sản xuất dễ dàng. Hệ thống cũng đạt một số chứng nhận chất lượng nhất định và thích hợp sử dụng trong việc sản xuất tế bào gốc. Phía Viện Tế bào gốc đã giới thiệu hệ sản phẩm Bioreactor MSC Expansion Set được nghiên cứu để sản xuất tế bào gốc trung mô quy mô lớn trong các bể phản ứng sinh học (bioreactor). Hai bên đã tìm thấy những quan điểm chung trong việc phát triển và hoàn thiện công nghệ, trong đó chi phí sản xuất thấp và chất lượng tốt là tiêu chí quan trọng nhất để 2 bên cùng đồng hành.
Kết thúc buổi họp, hai bên đã thống nhất hợp tác để xây dựng quy trình sản xuất theo hướng dẫn GMP-WHO sử dụng công nghệ tăng sinh của Viện Tế bào gốc (Bioreactor MSC Expansion Set) trên hệ thống Celcradle của Esco Aster. Cũng thông qua hợp tác này, sau khi xây dựng thành công, Esco Aster sẽ giới thiệu công nghệ của Viện Tế bào gốc đến tất cả các quốc gia trên thế giới có sử dụng hệ thống CelCradle của công ty.
Hợp tác này mở ra một cơ hội mới cho Viện Tế bào gốc giới thiệu sản phẩm công nghệ của mình đến nhiều công ty sản xuất tế bào gốc trung mô trong nước và ngoài nước.
Việc sản xuất thành công tế bào gốc quy mô lớn với chi phí thấp sẽ mở ra những cơ hội lớn cho việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh, sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác như mĩ phẩm, thực phẩm chức năng và thực thẩm (như thịt). Hiện nay mặc dù ứng dụng tế bào gốc là có triển vọng lớn, nhưng hiệu quả kinh tế khá thấp do chi phí sản xuất tế bào gốc quá cao. Do đó, điểm mấu chốt của việc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng tế bào gốc cần đi từ giảm chi phí sản xuất tế bào gốc thông qua việc sản xuất tế bào gốc quy mô lớn.
Sáng ngày 09/04/2022, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn đầu đoàn Đại biểu bao gồm Lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM và cộng đồng các doanh nghiệp đến thăm Viện Tế bào gốc, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM
Công nghệ tế bào gốc là một trong những lĩnh vực khoa học công nghệ được quan tâm nhiều trong xã hội.Chiều ngày 09/04/2022, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn đầu đoàn đại biểu bao gồm lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM và cộng đồng các doanh nghiệp đến thăm Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Đoàn được trân trọng đón tiếp bởi PGS.TS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc và các cán bộ chủ chốt của Viện. Tại buổi thăm Viện Tế bào gốc, PGS.TS Phạm Văn Phúc đã giới thiệu các thành tựu nổi bật về công nghệ và phát triển sản phẩm trong lĩnh vực tế bào gốc của Viện trong thời gian qua. Hiện tại, Viện Tế bào gốc đã xây dựng nên hệ thống các sản phẩm phát triển từ công nghệ tế bào gốc chia làm 4 thương hiệu chính: Regenmedlab_ Các sản phẩm Trang thiết bị y tế phục vụ phân lập và sản xuất tế bào gốc dùng trong y tế; Dermaloka_ Sản phẩm mỹ phẩm nhắm đích tế bào gốc; Cellatist_ Thuốc và sinh phẩm từ tế bào/tế bào gốc; Stemfood_ Thực phẩm chức năng nhắm đích tế bào gốc. Nhiều sản phẩm của Viện tế bào gốc đã được chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện, thẫm mĩ viện… Đặc biệt, thuốc tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam mang tên Cartilatist đã được chuyển giao cho bệnh viện Vạn Hạnh là một điểm sáng trong lĩnh vực tế bào gốc tại Việt Nam.
Nguyên Chủ tịch nước và các đại biểu đã dành thời gian quan sát, lắng nghe cũng như đặt câu hỏi bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về sự phát triển của Viện, nghiên cứu mảng tế bào gốc nói riêng và lĩnh vực nghiên cứu y sinh nói chung, nhất là chú trọng vào các ứng dụng tế bào gốc vào thực tiễn để góp phần phục vụ cộng đồng.
Vừa qua, Trung tâm Đào tạo Y sinh, Viện Tế bào gốc phối hợp cùng Công ty BD Biosciences và Công ty TNHH Phát triển Khoa học Sự Sống (Life Sciences Co., Ltd) đã khai giảng Khóa đào tạo Flow Cytometry (FCM) cơ bản. Khóa học mang đến kiến thức nền tảng và kĩ thuật cơ bản cho người bắt đầu học FCM hay cần hiểu về FCM.
Đến với khóa học, học viên được trang bị các kiến thức lý thuyết và thực hành bởi đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm. Qua các bài giảng lý thuyết cơ bản về kĩ thuật FCM như: Phương pháp loại bỏ các tín hiệu gây nhiễu, thiết kế thí nghiệm phân tích tế bào đa thông số, phương pháp phân tích dữ liệu bằng phần mềm của BD Bioscience. Sau đó học viên được thực hành trực tiếp ở các nội dung : thiết lập hệ thống ánh sáng tán xạ và hệ thống cảm biến huỳnh quang, nhuộm mẫu tế bào, loại bỏ các tín hiệu gây nhiễu và thu nhận kết quả chuẩn, phân tích kết quả, bao gồm: định danh quần thể tế bào và phân tích ý nghĩa các chỉ số có liên quan.
Với số lượng học viên giới hạn, Khóa đào tạo đảm bảo truyền tải cho học viên những kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm về FCM một cách đầy đủ và sinh động nhất.
Ngoài khóa học FCM cơ bản, Trung tâm Đào tạo Y sinh, Viện Tế bào gốc còn có các khóa đào tạo khác trong lĩnh vực sinh học – công nghệ sinh học như khóa đào tạo nuôi cấy tế bào, khóa đào tạo về huyết tương giàu tiểu cầu, khóa đào tạo viết bản thảo khoa học ….
Trong năm học 2020-2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng tập thể Viện Tế bào gốc đã nổ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Theo Quyết định số 114/QĐ-BGDĐT, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen cho Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Tp.HCM với thành tích đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm liên tục từ năm học 2019-2020 đến năm học 2020-2021