Category: Bản tin

Các tin tức cập nhật của Viện Tế bào gốc.

  • CHÚC MỪNG 4 NĂM THÀNH LẬP VIỆN TẾ BÀO GỐC

    CHÚC MỪNG 4 NĂM THÀNH LẬP VIỆN TẾ BÀO GỐC

    🎈🎈🎈CHÚC MỪNG 4 NĂM THÀNH LẬP VIỆN TẾ BÀO GỐC 🎈🎈🎈
    12.06.2017 – 12.06.2021

    Viện Tế bào gốc cảm ơn BẠN đã luôn đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian vừa qua.

    Chúc mừng Viện Tế bào gốc bước sang 1 tuổi mới. Mong rằng chúng ta sẽ luôn đồng hành cùng nhau trong nhiều hoạt động sắp tới của Viện Tế bào gốc.

  • Tăng cường đoàn kết nội bộ và xây dựng văn hóa đơn vị Viện Tế Bào Gốc

    Tăng cường đoàn kết nội bộ và xây dựng văn hóa đơn vị Viện Tế Bào Gốc

    Đoàn kết nội bộ là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công sứ mạng của Viện Tế bào gốc. Trên quan điểm đó, Viện Tế bào gốc đã triển khai chương trình “Tăng cường đoàn kết nội bộ và xây dựng văn hóa đơn vị” từ ngày 01/04/2021 cho tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang theo học tại Viện. Chương trình được triển khai thực hiện bởi các đơn vị Phòng Thông tin truyền thông và Tổ chức sự kiện, Phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế, Phòng Tổ chức hành chính và Công tác sinh viên, chi Đoàn cán bộ trẻ  và Công Đoàn bộ phận Viện Tế bào gốc. Chương trình gồm 4 nội dung và 12 hoạt động được diễn ra xuyên suốt trong mỗi tháng, vào giờ nghỉ trưa hoặc sau giờ làm việc hành chính mỗi ngày.

    Hình 1. Hoạt động Ngày thứ hai ấm áp chúc mừng sinh nhật cán bộ trong quý I năm 2021

    Nội dung Đoàn kết tự hào truyền thống gồm các hoạt động như Chào cờ và sinh hoạt dưới cờ được thực hiện vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần. Ở hoạt động này, toàn thể cán bộ nhân viên, người lào động của Viện sẽ mặc lễ phục của Viện. Lãnh đạo Viện sẽ trình bày, thông tin các kết quả hoạt động tuần trước, cũng như được trao đổi và chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ trong tuần tiếp theo. Ngày thứ hai ấm áp là một trong những hoạt động nổi bật của nội dung này. Trong hoạt động này, Viện sẽ tổ chức mừng sinh nhật của người lao động với cách thức tổ chức ấm cúng cùng với lời chúc tuổi mới thành công, đã giúp khoảng cách giữa những thành viên trong Viện được rút ngắn hơn. Ngày thứ sáu đoàn kết, người lao động sẽ mặc đồng phục áo thun của Viện.

    Hình 2. Bản đồ quê hương

    Ở nội dung Kết nối vùng miền, nổi bật là hoạt động Ngày thứ năm đặc sản, hoạt động này nhằm giới thiệu những đặc sản quê hương của từng người lao động trong Viện. Qua đây, người lao động vừa được nghe và được thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của các vùng miền như Bình Thuận, Bình Định, Bình Phước, Hà Nội, Thái Nguyên hay Tp. Hồ Chí Minh. Cùng với hoạt động này, bản đồ quê hương được hoàn thiện nhân dịp 30/4, bản đồ đất nước bằng gỗ được định vị bằng những khuôn mặt của người lao động hiện diện trong phòng truyền thống của Viện nhằm đưa thông tin quê hương của người lao động trong Viện.

    Ở nội dung Kết nối tri thức, hai hoạt động của Câu lạc bộ Tạp chí và Câu lạc bộ tiếng Anh cũng được triển khai vào mỗi thứ 3 và thứ 5 mỗi tuần thu hút đông đảo sinh viên cũng như người lao động tham gia, hoạt động này nhằm chia sẻ những công bố khoa học hấp dẫn, mới nhất liên quan đến lĩnh vực tế bào gốc cũng như y sinh tái tạo. Được thực hiện như một buổi ăn trưa vui vẻ nên những chia sẻ về kiến thức khoa học cũng dễ gần và tạo cảm giác thoải mái hơn cho người tham dự.

    Hình 4. Thầy Nguyễn Trường Sinh với chia sẻ về Vai trò Exosome đối với kháng thuốc ung thư

    Sức khỏe luôn là một yếu tố mà mỗi cá nhân luôn gìn giữ và rèn luyện, ở nội dung Kết nối sức mạnh này, nhằm đưa người lao động đoàn kết hơn các hoạt động thể dụng thể thao như ngày thứ năm khỏe mạnh đã được triển khai. Sau giờ làm việc, người lao động chạy bộ và rèn luyện sức khỏe cùng nhau. Bên cạnh đó các hoạt động chào mừng sinh nhật Viện lần 4 cũng diễn ra sôi nổi như Giải bóng đá giao hữu giữa các phòng ban trong viện.

    Hình 5. Hoạt động ngày thứ năm khỏe mạnh

    Viện Tế bào gốc đang xây dựng môi trường làm việc, nghiên cứu, giảng dạy hướng đến sự chuyên nghiệp, đạt được chất lượng cao trong hoạt động khoa học-công nghệ và đào tạo, và xây dựng một tập thể đoàn kết, với những nét đẹp “văn hóa Viện tế bào gốc” riêng.

    Phan Lữ Chính Nhân – Phó Viện trưởng Viện Tế bào gốc

  • Viện Tế bào gốc dần trở thành nơi cung cấp động vật phục vụ cho nghiên cứu uy tín ở Việt Nam

    Viện Tế bào gốc dần trở thành nơi cung cấp động vật phục vụ cho nghiên cứu uy tín ở Việt Nam

               Headlines:
    Nghiên cứu trên động vật có giá trị lớn trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin, tác động của thuốc, dược chất, tế bào … hay phương pháp điều trị lên động vật; mà từ đó dự đoán các tác động của chúng lên người. Do đó, theo thông lệ trong nghiên cứu y sinh, việc thử nghiệm trên động vật là một bước quan trọng trước khi những ứng viên dùng trong điều trị, chăm sóc sức khỏe kể cả làm đẹp được sử dụng trên người. Để có thể có những kết quả, thông tin thu thập được chính xác, động vật sử dụng phải đạt những tiêu chuẩn nhất định tùy theo từng nghiên cứu. Trước nhu cầu đó, Viện Tế bào gốc đã thành lập PTN Chăm sóc và Sử dụng động vật (Laboratory of Animal Care and Use – LACU) từ năm 2018 nhằm cung cấp động vật thí nghiệm cho các nghiên cứu của Viện và ngoài Viện. Đến nay, PTN LACU đã trở thành địa chỉ cung cấp động vật tin cậy cho các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam.

    Thí nghiệm trên động vật, cho đến hiện tại vẫn được xem là phương pháp cần thiết để thử nghiệm tác động thuốc, phát triển phương pháp điều trị và đánh giá độ an toàn trước khi sử dụng trực tiếp trên người. Trong thập kỷ qua, các thí nghiệm cận lâm sàng tại Việt Nam đang ngày càng được quan tâm. Ngoài các đơn vị có truyền thống lâu đời trong nghiên cứu trên động vật, rất nhiều đơn vị, phòng thí nghiệm trong lĩnh vực y sinh học đang đã chủ động mở rộng phạm vi nghiên cứu sang mảng cận lâm sàng, nhằm đẩy nhanh việc thử nghiệm điều trị các liệu pháp mới hay thuốc mới. 

    Kể từ khi thành lập Viện Tế bào gốc, ngoài việc phát triển công nghệ và sản phẩm thương mại, việc xây dựng và phát triển mảng thử nghiệm cận lâm sàng luôn được Ban lãnh đạo quan tâm. Do vậy năm 2018, Viện đã cho ra đời PTN Chăm sóc và Sử dụng Động vật (Laboratory of Animal Care and Use _LACU).

    LACU là một trong các đơn vị chuyên môn của Viện Tế bào gốc, được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu trên động vật hơn 10 năm của PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc và sau này là Viện Tế bào gốc. Trải qua hơn 2 năm thành lập, LACU đang ngày càng khẳng định vị thế của mình và trở thành địa chỉ cung ứng động vật thí nghiệm uy tín.

    LACU không chỉ là PTN nghiên cứu động vật mà còn là nơi phát triển nguồn giống thuần chủng

    Hơn 95% thử nghiệm trên động vật đang được tiến hành trên chuột. Chuột được sử dụng rất rộng rãi trong các nghiên cứu từ tạo mô hình đến thử nghiệm. Việt Nam là quốc gia có khí hậu cận nhiệt đới, môi trường lý tưởng để phát triển của chuột nhưng nguồn chuột sẵn có tại Việt Nam thường không đạt chuẩn cho nghiên cứu. Chuột được sử dụng trong các thí nghiệm phải đồng nhất về mặt di truyền, nhằm làm cho kết quả của các thử nghiệm có tính nhất quán. Hay hiểu theo một cách khác, chuột được sử dụng trong các thí nghiệm phải thuần chủng (inbred).

    Chủng chuột thuần chủng tại Việt Nam đại đa số đều được nhập khẩu với chi phí cao và thời gian vận chuyển kéo dài. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập hiện tại, nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và công bố, rất nhiều đơn vị và phòng thí nghiệm đều đang quan tâm đến các chủng chuột thuần chủng trong nghiên cứu của mình. Đón đầu xu thế trên, nhằm tự chủ nguồn chuột thuần chủng, LACU đã tiến hành nhập và tăng sinh đàn chuột thuần tại Việt Nam. Trong đó, hai chủng chuột đang được thử nghiệm đầu tiên là chuột nhắt Balb/C và chuột cống Wistar.  Có thể, LACU không phải là đơn vị đầu tiên nhập và nhân giống thành công hai chủng này tại Việt Nam, nhưng LACU tự hào là đơn vị cho sinh sản và cung ứng lượng chuột thuần chủng với số lượng lớn, từ 1500-2000 con/năm, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tại Viện và cung ứng bên ngoài

    Ngoài đẩy mạnh chuyên môn trong nghiên cứu cận lâm sàng, việc phát triển nguồn giống thuần chủng là một trong các mục tiêu quan trọng trong năm năm tới của PTN. Động vật nói chung, chuột nói riêng, là tiêu chí tiên quyết trong nghiên cứu cận lâm sàng. Việc đạt chuẩn động vật sẽ là nền tảng cho các thử nghiệm đạt chuẩn.

    Từ những cặp chuột đầu tiên đến trên 200 cặp chuột giống

    Trong chỉ vỏn vẹn 2 năm, với 3 cặp chuột đầu tiên, hiện tại LACU đã có trên 200 cặp chuột giống sinh sản. Có thể nói, việc cho sinh sản trên các chủng chuột thuần gặp nhiều trở ngại. Do khác nhau về thời tiết khí hậu nơi xuất xứ và Việt Nam, mà việc ổn định lại trạng thái sinh lý chuột đòi hỏi nhiều nỗ lực trong cách chăm sóc và theo dõi. Ngoài ra, do đặc điểm thuần chủng (cận huyết) nên khả năng sinh sản của những chủng chuột này cũng là một giới hạn đáng lưu ý. Nếu như chủng chuột nhắt Việt Nam đẻ 9-12 con/lứa, thì ở các chủng chuột thuần chỉ đẻ được 1-4 con/lứa và còn có xu hướng bỏ con. Điều này gây trở ngại rất lớn cho việc nhân giống số lượng nhiều.

    Với trách nhiệm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tại Viện và cung ứng cho các đối tác bên ngoài ngày càng tăng, trong tương lai con số 200 cặp sẽ tiếp tục được nâng cao. Được sự quan tâm từ Ban lãnh đạo Viện Tế bào gốc, LACU dần mở rộng khu nuôi và cải thiện môi trường nuôi đạt chuẩn cho cả động vật và người thao tác.

    Nâng cao số lượng song song với chất lượng, dần trở thành nơi cung ứng đáng tin cậy

    PTN LACU luôn cố gắng tăng cao số lượng chuột để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài Viện. Nếu như cách đây 5 năm, việc công bố dùng chuột Balb/C trong nghiên cứu là điều khó tiếp cận, thì hiện tại, tất cả các nghiên cứu trên động vật tại Viện, đều đang sử dụng các giống thuần.

    Ngoài Viện tế bào gốc, rất nhiều đơn vị đang tin tưởng sử dụng nguồn chuột của LACU như là nguồn chuột an toàn và thuần chủng.

    LACU là một trong các đơn vị chuyên môn đang từng bước hoàn thiện của Viện Tế bào gốc. Cùng với sự phát triển của Viện, LACU tin tưởng sẽ không ngừng phát triển và trở thành một trong các phòng thí nghiệm lớn vững về chuyên môn, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn và mạnh về cung ứng, không chỉ là động vật mà còn là các thí nghiệm (dịch vụ) trên động vật.

    Bùi Nguyễn Tú Anh – Trưởng PTN Chăm sóc và Sử dụng Động vật

  • THÔNG BÁO CUỘC THI “TẾ BÀO GỐC TRONG TÔI LÀ …” LẦN 2 NĂM 2021

    THÔNG BÁO CUỘC THI “TẾ BÀO GỐC TRONG TÔI LÀ …” LẦN 2 NĂM 2021

    Nhằm lưu giữ, chia sẻ những khoảnh khắc học tập, nghiên cứu … tại Viện Tế bào gốc của các bạn học sinh, sinh viên, học viên … và chào mừng 4 năm thành lập Viện Tế bào gốc (12/06/2017 – 12/06/2021) cuộc thi “Tế bào gốc trong tôi là …” lần 2 – năm 2021 đã quay trở lại.

    Thời gian:

    • Thời gian tham dự gửi ảnh dự thi: từ 1/6/2021 đến 10/06/2021
    • Thời gian công bố kết quả: 12/06/2021
    • Thời gian trao giải thưởng: từ 15/06/2021 đến 19/06/2021

    Đối tượng:

    • Là công dân Việt Nam, đang sống và làm việc tại Việt Nam.
    • Là thành viên của trang Viện Tế Bào Gốc trên Facebook. Để trở thành thành viên, người tham gia ấn vào nút LIKE của trang Viện Tế Bào Gốc
    • Cuộc thi không dành cho nhân viên của Viện Tế Bào Gốc  

    NỘI DUNG

    Thí sinh gửi ảnh dự thi qua link: https://forms.gle/8qJoYDsWdezxdbgy5

    Các ảnh của thành viên tham gia sẽ được đăng lên fanpage Viện Tế Bào Gốc trên Facebook, album cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc tế bào gốc” lần 2

    Thành viên tham gia dự thi sẽ đi vận động bình chọn bằng cách thích vào ảnh dự thi.

    BTC sẽ chọn ra 10 bài dự thi có lượng thích cao nhất để tiến hành chấm giải. Từ 10 bài dự thi này BTC sẽ tiếp tục chọn ra những bài có lời chia sẻ ý nghĩa nhất để tiến hành trao giải theo cơ cấu giải thưởng.

    HÌNH THỨC

    Hình ảnh tham gia dự thi phải đạt những điều kiện sau:

    Ghi lại những khoảng khắc tham gia các hoạt động cộng đồng của Viện Tế Bào Gốc như Stem Cell Summer, Stem Cell Innovation, các hội thảo, buổi tham quan phòng thí nghiệm.

    Ghi lại những khoảnh khắc, hình ảnh đẹp liên quan đến Viện Tế Bào Gốc

    Ghi lại những khoảnh khắc tham gia nghiên cứu khoa học tại Viện Tế Bào Gốc

    Mỗi thành viên chỉ được phép gửi tối đa 03 ảnh dự thi.

    GIẢI THƯỞNG

    • 01 GIẢI NHẤT : 500.000 Đ + QUÀ TẶNG SCI
    • 01 GIẢI NHÌ : 300.000 Đ + QUÀ TẶNG SCI
    • 03 GIẢI BA : 200.000 Đ + QUÀ TẶNG SCI
  • Viện Tế bào gốc xây dựng ngân hàng tế bào phục vụ cho nghiên cứu (SCI Cellbank)

    Viện Tế bào gốc xây dựng ngân hàng tế bào phục vụ cho nghiên cứu (SCI Cellbank)

    Tế bào là đơn vị nhỏ nhất của sự sống; do đó, tế bào đã trở thành đối tượng quan trọng trong nghiên cứu in vitro. Việc sử dụng tế bào, đặc biệt tế bào người và động vật, trong các nghiên cứu đánh giá, kiểm nghiệm, khảo sát tác động của thuốc, dược chất, chất thử, phương pháp mới lên sự thay đổi các đặc điểm sinh học của tế bào đã trở thành một kĩ thuật thường quy và phổ biến trong nhiều phòng thí nghiệm (PTN) về y-sinh học. Tuy nhiên, chất lượng tế bào sử dụng trong các nghiên cứu, đánh giá này vẫn chưa được các PTN kiểm soát và đảm bảo chất lượng cho các lần đánh giá. Do đó, các kết quả đánh giá không ổn định cao giữa các lần đánh giá. Viện Tế bào gốc thành lập SCI Cellbank với mục đích thiết lập, xác thực và đảm bảo chất lượng các dòng tế bào người và động vật để phục vụ cho các nghiên cứu của Viện và cung cấp nguồn tế bào này cho các nghiên cứu khác ở Việt Nam và trên thế giới.

    Trong thế kỉ 21 và kỉ nguyên công nghệ 4.0, khoa học công nghệ nói chung và công nghệ y sinh nói riêng đang là mũi nhọn hàng đầu cho động lực phát triển toàn xã hội. Khoa học nghiên cứu và ứng dụng về tế bào trở thành trung tâm của các lĩnh vực như y học tái tạo, chẩn đoán và điều trị ung thư, các cơ chế của gen và di truyền học. Các công trình nghiên cứu xuất sắc, có độ tinh cậy cao là bước đầu quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ liên quan tế bào này. Tuy nhiên trong nghiên cứu y sinh hiện nay, nguồn tế bào không được đồng nhất, thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến rất nhiều công trình nghiên cứu không thể lặp lại. Trong một khảo sát được Barker và cộng sự công bố trên tạp chí Nature vào năm 2016 đã chỉ ra hơn 70% trong tổng số 1576 nhà khoa học được khảo sát không thể lặp lại được kết quả của những người khác và hơn một nửa trong số đó không thể lặp lại kết quả của chính họ.

    Việc thành lập các ngân hàng về tế bào với các tiêu chuẩn cơ bản đã được nhiều nước trên thế giới tiến hành, ví dụ, The American Type Culture Collection (ATCC), The European Collection of Authenticated Cell Cultures (ECACC). Các nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm về y sinh học ở Việt Nam cũng rất khó khăn trong việc lặp lại thí nghiệm khi không có một ngân hàng lưu tế bào được chuẩn hóa nhằm đảm bảo sự ổn định, đồng nhất của các lần thí nghiệm lặp lại. Trong đó, nguồn tế bào ban đầu này là tế bào, mô, hoặc gen được kiểm soát đầu vào, xác định các biểu hiện đặc trưng và biến đổi để phù hợp với các nghiên cứu. Ngoài ra, ngân hàng lưu trữ tế bào có thể phát triển, biến đổi các đặc tính của tế bào gốc ban đầu để làm đa dạng hơn nguồn tế bào có thể cung cấp.

    Theo đó, để nghiên cứu khoa học của Viện Tế bào gốc và của quốc gia phát triển, cần phải thành lập và duy trì ngân hàng tế bào SCI Cellbank (SCI-CB), phản ánh đúng bản chất cần thiết phải có của ngân hàng này là:

    • Đảm bảo Nguồn tế bào tốt, ổn định, rõ ràng về nguồn gốc và luôn được lưu lại để sử dụng lặp lại sau đó.
    • Đảm bảo Nguồn tế bào đa dạng, biến đổi phù hợp với nghiên cứu khoa học ở điều kiện hiện tại của Viện Tế bào gốc và đất nước.

    Mỗi năm, trên toàn quốc thực hiện hàng trăm công trình nghiên cứu y sinh nhất là trong lĩnh vực tế bào gốc. Thực tế cho thấy, mỗi nhóm nghiên cứu sẽ tự tìm nguồn tế bào đặc biệt là các nguồn tế bào thu nhận từ nuôi sơ cấp. Tuy nhiên, các nghiên cứu ngay từ đầu đã gặp khó khăn trong việc có được tế bào tế bào. Nguyên nhân chủ yếu có thể là:

    • Nguồn tế bào ban đầu khác nhau về chất lượng, số lượng, thậm chí là từ nhiều người khác nhau.
    • Trình độ của người thu nhận, nuôi cấy khác nhau dẫn đến tế bào sau khi thu nhận được có những đặc điểm không tương đồng
    • Điều kiện thực hiện khác nhau như dụng cụ, thiết bị sẽ tác động đến kết quả sau khi thu nhận được tế bào.
    • Nguồn tế bào rất ít và khó có thể nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài. Tế bào từ nước ngoài nhập về Việt Nam có giá thành rất cao và thời gian thường chậm trễ.
    • Các dòng tế bào nước ngoài hoặc thương mại đôi khi không phản ánh chính xác đáp ứng như các tế bào được phân lập từ mô trong nước.

    Vì thế, các nghiên cứu y sinh luôn bị hạn chế trong vài dòng tế bào, lặp lại thí nghiệm khó khăn, biến động lớn, thậm chí không thể lặp lại thí nghiệm. Từ đó có thể thấy việc thành lập SCI-CB là cần thiết để thúc đẩy các nghiên cứu khoa học trong nước và Viện Tế bào gốc phát triển hơn, chính xác hơn.

    Hơn thế nữa, sự phát triển của SCI-CB nhắm đến cung cấp nguồn mô toàn quốc sẽ là cầu nối chia sẽ nguồn tế bào giúp phát triển các thành tựu khoa học y sinh của các nghiên cứu trên khắp cả nước, là động lực nâng tầm uy tín cũng như trình độ Viện Tế bào gốc.

    Do vậy, việc thành lập một ngân hàng lưu trữ và cung cấp tất cả các tế bào trong thí nghiệm cho Viện tế bào gốc và hướng đến cung cấp, chia sẽ nguồn tế bào cho các đơn vị ngoài là rất cần thiết. Vì vậy, sự ra đời của SCI Cellbank (SCI-CB) mang theo sứ mệnh góp phần phát triển khoa học trong nghiên cứu y sinh ở cấp Viện, quốc gia, khu vực và thế giới.

    Đỗ Minh Nghĩa

    Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM

  • THÔNG BÁO NGHỈ LỄ 30/4 VÀ 01/05/2021

    THÔNG BÁO NGHỈ LỄ 30/4 VÀ 01/05/2021

    Viện Tế bào gốc xin thông báo việc nghỉ Lễ 30/04 và 01/05/2021 sẽ được thực hiện như sau:

    Nghỉ 04 ngày liên tục từ ngày 30/04/2021 (thứ 6) đến hết ngày 03/05/2021 (thứ 2). Viện sẽ hoạt động trở lại vào ngày 04/05/2021 (thứ 3).

  • THÔNG BÁO V/V THAY ĐỔI TRỤ SỞ CHÍNH

    THÔNG BÁO V/V THAY ĐỔI TRỤ SỞ CHÍNH

    Viện Tế bào gốc xin thông báo về việc thay đổi trụ sở chính kể từ ngày 19/04/2021 như sau:

    Địa chỉ trụ sở chính cũ

    Tòa nhà B2-3, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Khu phố 6, Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

    Địa chỉ trụ sở chính mới

    Tòa nhà B2-3, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Khu phố 6, Phường Linh Trung, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

  • THÔNG BÁO V/v Tuyển sinh thực hiện khóa luận năm học 2021-2022 (đợt 1)

    THÔNG BÁO V/v Tuyển sinh thực hiện khóa luận năm học 2021-2022 (đợt 1)

    Thực hiện kế hoạch nghiên cứu và đào tạo của Viện Tế bào gốc năm 2021-2022, Lãnh đạo Viện Tế bào gốc, Trường Đại học KHTN, ĐHQG-HCM tổ chức tuyển chọn sinh viên tham gia vào các đề tài, dự án do Viện chủ trì từ năm 2021 theo kế hoạch như sau:

    1.  Đối tượng tuyển chọn

    Sinh viên thuộc tất cả các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước và ngoài nước thuộc các chuyên ngành:

    • Sinh học thực nghiệm – hướng sinh lý động vật
    • Di truyền học
    • CNSH Y dược
    • Hoặc ngành Y, dược và các ngành liên quan khác

    2. Điều kiện tuyển chọn

    • Sinh viên tham gia tuyển chọn không được nợ quá 3 tín chỉ tính đến thời điểm tham gia tuyển chọn
    • Sinh viên tham gia tuyển chọn phải nộp Bộ hồ sơ xét tuyển và phỏng vấn trực tiếp với các cán bộ hướng dẫn.
    • Đảm bảo thời gian học tập và nghiên cứu tại Viện sau khi khi trúng tuyển.

    3. Quyền lợi

    • Được tạo điều kiện học tập, tiến hành các nghiên cứu, thực hiện khóa luận Cử nhân.
    • Được Viện chi trả chi phí nghiên cứu bao gồm toàn bộ kinh phí hoá chất, vật tư, cơ sở vật chất thiết bị cho tiến hành nghiên cứu.

    4. Hồ sơ ứng tuyển

    Viện chỉ nhận hồ sơ trực tuyến, do đó tất cả các ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển theo link http://sci.edu.vn/work-with-us/.

    Hồ sơ ứng tuyển gồm có:

    • Đơn xin tham gia học tập và nghiên cứu tại Viện (tối thiểu 300 từ, tối đa 1000 từ). Trong đó, sinh viên ghi rõ đề tài muốn tham gia thực hiện. Mỗi sinh viên chỉ được chọn 01 đề tài để tham gia. Danh sách đề tài ở Phụ lục đính kèm.
    • Bảng điểm của học kỳ/năm học gần nhất, không cần xác nhận của Nhà trường.
    • Ý tưởng nghiên cứu
    • File hình thẻ/hình chân dung nhìn rõ mặt (định dạng .jpg).

    5. Thời gian xét tuyển (dự kiến)

    • Nộp hồ sơ xét tuyển đến hết ngày 03/05/2021
    • Phỏng vấn trực tiếp: 10-14/05/2021
    • Thông báo kết quả: 17-21/05/2021
    • Thời gian vào phòng thí nghiệm: 24 – 28/05/2021

    6. Số lượng ứng viên tuyển chọn

    • Sinh viên: 10

    7. Quy trình tuyển chọn

    • Sơ tuyển: sau khi nhận hồ sơ, các cán bộ hướng dẫn sẽ chọn những ứng viên đủ điều kiện tuyển chọn
    • Phỏng vấn: chỉ những ứng viên trúng tuyển trong đợt sơ tuyển được mời đến phỏng vấn (mời qua email hoặc điện thoại). Các ứng viên không tham gia phỏng vấn xem như bị loại.
    • Thông báo trúng tuyển và tham gia vào Viện: ứng viên được thông báo trúng tuyển bằng email hoặc điện thoại và tham gia vào Viện theo lịch xét tuyển.

    8. Liên hệ

    Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Cô Tô Hoàng Việt Xuân (xuanto@sci.edu.vn), tại Viện Tế bào gốc-Trường ĐH KHTN, Tòa nhà B2-3, Khu phố 6, Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, Tp.HCM.

  • ĐỒNG CHÍ TRẦN TUẤN ANH, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, TRƯỞNG BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG THĂM VIỆN TẾ BÀO GỐC

    ĐỒNG CHÍ TRẦN TUẤN ANH, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, TRƯỞNG BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG THĂM VIỆN TẾ BÀO GỐC

    Chiều ngày 10.04.2021 Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương có buổi thăm Viện Tế bào gốc, Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM.

    Trong đoàn thăm Viện Tế bào gốc còn có Ban Giám đốc ĐHQG-HCM, ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM cùng Thứ trưởng các Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; các vị nguyên là lãnh đạo ĐHQG-HCM… Ông Phạm Văn Phúc, Viện trưởng và ông Phan Lữ Chính Nhân, Phó Viện trưởng đã đại diện Viện Tế bào gốc tiếp đón đoàn.

    Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (ngoài cùng bên phải) có buổi thăm Viện Tế bào gốc, Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM

    Trong chuyến thăm, Ông Phạm Văn Phúc đã trực tiếp giới thiệu các thành tựu mà Viện đã đạt được trong nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc

    Trong chuyến thăm, Ông Phạm Văn Phúc đã trực tiếp giới thiệu các thành tựu mà Viện đã đạt được trong nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc. Các thành tựu nổi bật như Thuốc tế bào gốc Cartilatist điều trị thoái hóa khớp gối, tiềm năng sử dụng công nghệ thuốc tế bào gốc Modulatist trong điều trị COVID-19… Ngoài ra, Viện Tế bào gốc ngày càng là đối tác công nghệ của nhiều tập đoàn lớn, có uy tín trong lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học.

    Ông Phạm Văn Phúc giới thiệu công nghệ thuốc tế bào gốc Modulatist

    Ông Trần Tuấn Anh thể hiện sự phấn khởi trước những thành tựu khoa học công nghệ mà Viện đã đạt được trong thời gian qua và mong muốn Viện sẽ tiếp tục phát huy tiềm lực của mình trong lĩnh vực tế bào gốc nói riêng và y sinh học nói chung.

    Trao đổi về công nghệ tế bào gốc trong chuyến thăm Viện Tế bào gốc

    Buổi thăm Viện Tế bào gốc kết thúc lúc 14h50 cùng ngày.

    P.TT-TT&TCSK

  • Viện Tế bào gốc là đối tác công nghệ cho Dự án khu nghỉ dưỡng 50 triệu USD tại Điện Bàn, Quảng Nam

    Viện Tế bào gốc là đối tác công nghệ cho Dự án khu nghỉ dưỡng 50 triệu USD tại Điện Bàn, Quảng Nam

    Chiều 1.4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Trần Văn Tân chủ trì buổi làm việc với Công ty L’eau JST Việt Nam về đề xuất đầu tư khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe L’eau Việt Nam (gọi tắt là dự án L’eau Việt Nam) tại thị xã Điện Bàn. Đại diện Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM, PGS.TS. Phạm Văn Phúc đã tham gia buổi làm việc này.

    UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với Công ty L’eau JST Việt Nam ngày 1/4 (Ảnh: Thùy Dung)


    Theo ý tưởng đề xuất của Công ty L’eau JST Việt Nam thì, dự án bao gồm các hạng mục: Bệnh viện Tế bào gốc, Spa trẻ hóa, khách sạn nghỉ dưỡng, vườn chữa bệnh và trang trại hữu cơ với trại giống cá. Dự án có đối tác công nghệ là Viện Tế bào gốc, Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

    Mục tiêu của dự án sẽ hình thành mô hình dịch vụ du lịch mới thu hút khách trong nước và quốc tế đến Quảng Nam; Tạo trên 200 việc làm trong các lĩnh vực y tế, quản lý spa, khách sạn, đào tạo; Dự án có khả năng đạt doanh thu khoảng 150 triệu USD/năm. Và đây cũng là điểm đến du lịch y tế toàn diện đầu tiên tại Việt Nam.

    Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Q.T


    Tại buổi làm việc, PGS.TS. Phạm Văn Phúc đã chia sẻ những lợi ích trong việc ứng dụng tế bào gốc trong chăm sóc sức khỏe nói chung và chống lão hóa nói riêng. Ông Phúc cũng trình bày những triển vọng của ngành du lịch y tế, du lịch điều trị tế bào gốc trong thời gian tới.


    Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM là sẽ là đơn vị cung cấp tất cả các công nghệ tế bào, tế bào gốc của Viện Tế bào gốc để sử dụng tại Khu nghỉ dưỡng này.


    Bài viết có sử dụng tư liệu của Báo Tuổi trẻ Thủ đô (https://tuoitrethudo.com.vn/quang-nam-de-xuat-dau-tu-khu-nghi-duong-50-trieu-usd-tai-dien-ban-159563.html) và Báo Quảng Nam (http://baoquangnam.vn/giao-thong-xay-dung/ung-ho-chu-truong-dau-tu-khu-nghi-duong-ket-hop-cham-soc-suc-khoe-tai-dien-ban-110347.html)