Category: Bản tin

Các tin tức cập nhật của Viện Tế bào gốc.

  • Cool PRP- công nghệ sẵn sàng chuyển giao của Viện Tế bào gốc

    Cool PRP- công nghệ sẵn sàng chuyển giao của Viện Tế bào gốc

    Hiện nay, với tốc độ tăng trưởng và tiến bộ nhanh chóng của kinh tế-xã hội đi kèm với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ thì các công nghệ phục vụ cho chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp cho con người cũng không nằm ngoài guồng tăng trưởng đó. PRP là một trong những công nghệ ưu việt mang đến nhiều lợi ích trong trong y học như khôi phục và cải tạo những tổn thương của cơ thể cũng như mang lại nhiều giá trị cho ngành công nghiệp thẩm mỹ hiện đang bùng nổ với lợi nhuận mang lại cao.

    Vậy PRP là gì ?

    PRP là từ viết tắt thuật ngữ tiếng Anh Platelet Rich Plasma, nghĩa là huyết tương giàu tiểu cầu. Tiểu cầu là một thành phần của máu với một lượng nhất định (ngưỡng sinh lý bình thường). Huyết tương giàu tiểu cầu là huyết tương chứa một lượng tiểu cầu cao hơn ngưỡng sinh lý bình thường. Thông thường, PRP sẽ chứa lượng tiểu cầu trong một thể tích huyết tương cao hơn từ 2-8 lần lượng tiểu cầu có trong một thể tích huyết tương bình thường.

    Tiểu cầu thực chất là các mảnh vỡ từ tế bào có nhân khổng lồ. Chúng chứa hơn 30 loại yếu tố tăng trưởng khác nhau; trong đó có 5 loại chính là: Yếu tố tăng trưởng từ tiểu cầu (PDGF), yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi (FGF), Yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1), yếu tố tăng trưởng biểu mô (EGF), yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF). Năm yếu tố tăng trưởng này có vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương, tái tạo các vùng mô bị tổn thương. PRP chính là nguồn chứa các yếu tố tăng trưởng có nồng độ cao. Vì thế PRP có thể kích thích mạnh mẽ quá trình lành hoá vết thương, tái tạo các mô bị tổn thương.

    Công nghệ Cool PRP ?

    Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kit thương mại để thu nhận PRP sử dụng trong y học và thẩm mỹ, tuy nhiên những sản phẩm này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về độ an toàn, sản lượng, hoạt tính và độ tinh sạch của PRP sau khi thu nhận. 

    Với thế mạnh là đội ngũ các nhà khoa học giỏi và các chuyên gia được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, Viện Tế Bào Gốc đã cho ra đời bộ sản phẩm Cool PRP với tính năng vượt trội về độ an toàn, hoạt tính sinh học cao cũng như tỉ lệ thu hồi tiểu cầu đạt đến 95% và độ tinh sạch của tiểu cầu đạt đến 98%. 

    Hình 1. Các thế mạnh của Cool PRP.

    Khác với công nghệ tách PRP thông thường, Cool PRP tách PRP trong điều kiện nhiệt độ mát. Nhiệt độ của máu sau khi thu nhận khoảng 37 độ C, và nhiệt độ này sẽ giảm dần đến khi bằng nhiệt độ môi trường. Nhiệt độ môi trường biến động theo giờ, theo mùa…làm cho chất lượng PRP thay đổi. Công nghệ Cool PRP sẽ làm máu sau khi thu nhận giảm về mức 20-24 độ C ngay sau khi thu nhận. Đồng thời, trước và trong suốt quá trình li tâm nhiệt độ của máu được ổn định ở mức này làm cho cấu trúc tiểu cầu ổn định, tỉ lệ tiểu cầu vỡ, co cụm giảm. Từ đó chất lượng PRP tăng lên đáng kể.

    Hình 2. Sản phẩm Cool PRP

    Chuyển giao công nghệ Cool PRP

    Công nghệ Cool PRP mang đầy tâm huyết và đậm giá trị Việt. Sản phẩm CoolPRP là một sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy việc đưa sản phẩm đến với đông đảo người dùng là một nhiệm vụ thiết yếu. Viện Tế Bào Gốc – Đại học Khoa Học Tự Nhiên – Đại học Quốc Gia Tp.HCM sẵn sàng hợp tác và chuyển giao công nghệ hoặc sản phẩm Cool PRP tới các đối tác trong và ngoài nước để lan toả những gía trị mà công nghệ Cool PRP mang lại nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và thẩm mỹ của xã hội đồng thời nâng tầm giá trị Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.

    Đọc thêm thông tin về công nghệ ở đây: https://vientebaogoc.edu.vn/wpcproduct/cong-nghe-cool-prp/

    Tin SCI

  • Thử nghiệm lâm sàng thuốc tế bào điều trị ung thư: Bước tiến lớn trong y học

    Các nhà khoa học đang tiến hành một thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sử dụng liệu pháp miễn dịch với tế bào giết tự nhiên (Natural killer cell) có nguồn gốc từ tế bào gốc trên người để chữa ung thư giai đoạn cuối.

    Tế bào giết tự nhiên Natural killer cell có thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư.


    Trung tâm của liệu pháp miễn dịch
    Ung thư là căn bệnh gây chết người lớn thứ 2 trên toàn thế giới sau bệnh tim. Ở Mỹ, ước tính khoảng 606.880 người chết vì ung thư vào năm 2019.
    Với sự ra đời của liệu pháp miễn dịch, các nhà nghiên cứu hi vọng có thể tăng cường hệ miễn dịch của người để chiến đấu và tiêu diệt khối u một cách hiệu quả. Cùng với hóa trị, phẫu thuật và xạ trị, phương pháp trị liệu mới này đã trở thành một trụ cột thứ tư trong điều trị ung thư. Việc ra đời liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư cũng đã thay đổi hoàn toàn bối cảnh điều trị cho các bệnh ung thư.
    Đóng vai trò quan trọng trong liệu pháp truyền tế bào và ức chế chốt kiểm soát (checkpoint) miễn dịch của danh mục liệu pháp miễn dịch là các tế bào giết tự nhiên (NK cell). Loại tế bào bạch cầu đặc biệt này trở thành một công cụ đầy tiềm năng trong việc rút ngắn hoạt động của các tế bào ung thư. Chúng có thể phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư.
    Hiện nay, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa San Diego (UC) thuộc Đại học Canifonia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng với sự hợp tác của Công ty Fate Therapeutics trong suốt 4 năm để nghiên cứu sử dụng riêng các tế bào NK hoặc kết hợp tế bào NK với các chất ức chế chốt kiểm soát miễn dịch trong trị liệu cho những bệnh nhân có khối u rắn tiến triển.
    Thông thường, tế bào NK được phân lập từ máu của người hiến hoặc bệnh nhân. Trong thử nghiệm này, liệu pháp miễn dịch thuốc (off – the – shelf) tế bào NK lần đầu tiên được các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ sử dụng các tế bào có nguồn gốc từ các tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng (iPS).


    iPS – nguồn tế bào ưu việt
    Các nhà khoa học lần đầu tiên phát triển tế bào iPS vào năm 2006 bằng cách chuyển đổi bốn gene không hoạt động trong tế bào da. Điều này đã làm thay đổi hoàn toàn các đặc điểm của các tế bào chức năng và đưa chúng trở lại trạng thái giống như phôi thai. Hiện nay iPS đang được coi là nguồn tế bào đầy ưu việt vì chúng có đặc tính như tế bào gốc phôi, có khả năng tự làm mới và phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể mà việc ứng dụng vào lâm sàng không vi phạm đạo đức sinh học. Mặt khác, chỉ với 1 tế bào iPS cũng có thể nhân lên với một lượng lớn. Do đó, iPS trở thành nguồn tế bào đầy tiềm năng cho liệu pháp thuốc tế bào sản xuất ở quy mô lớn với chi phí sản xuất hợp lý.
    Năm 2013, tiến sĩ Dan Kaufman, ở Khoa Y học tái tạo và là Giám đốc trị liệu tế bào tại Trường Y khoa UC San Diego cùng với nhóm của ông đã phát triển một phương pháp tăng sinh để nhân số lượng lớn tế bào NK từ tế bào iPS của con người nhằm điều trị ung thư.
    Họ đã công bố phương pháp này trên tạp chí Stem Cells Translational Medicine. Sau khi thử nghiệm tiền lâm sàng rộng rãi, tháng 11/2018 Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép tiến sĩ Kaufman và Công ty Fate Therapeutics thiết lập một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I để thử nghiệm liệu pháp miễn dịch NK có nguồn gốc iPS ở những người có khối u rắn tiên tiến.


    Thuốc tế bào trị ung thư đầu tiên
    Thử nghiệm giai đoạn I bắt đầu vào tháng 2/2019 bao gồm 64 người mắc bệnh ung thư tiến triển, không thể điều trị được bằng các phương pháp truyền thống. Derek Ruff trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được điều trị ung thư bằng liệu pháp tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC) trong thử nghiệm có tên gọi FT500, là một phần của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I tại Trung tâm Ung thư Moores tại UC San Diego Health. Sau 10 năm có xu hướng thuyên giảm, căn bệnh ung thư của Ruff đã quay trở lại và giờ đây Ruff phải chịu đựng ung thư đại tràng giai đoạn IV. Mặc dù đã trải qua các đợt hóa trị tích cực, xạ trị giảm nhẹ và liệu pháp miễn dịch, tình trạng bệnh tật của anh vẫn đang tiến triển. Thử nghiệm FT500 được thiết kế với mục đích chính là đánh giá sự an toàn của liệu trình điều trị. Các mục tiêu khác là xác định mức độ mà các khối u đáp ứng với liệu pháp tế bào NK và tìm hiểu thời gian các tế bào ở lại trong cơ thể của người bệnh.

    Derek Ruff trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được điều trị ung thư bằng liệu pháp tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC).


    Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu sử dụng 4 phác đồ bao gồm chỉ tiêm các tế bào NK hoặc tiêm tế bào NK với 1 trong 3 chất (có tên nivolumab, pembrolizumab hoặc atezolizumab) ức chế điểm kiểm soát. Nhóm nghiên cứu tiến hành theo dõi các tế bào một lần mỗi tuần trong 3 tuần. Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều được biết họ đang được điều trị bằng phương pháp nào.
    “Đây là một thành tựu mang tính bước ngoặt đối với lĩnh vực y học dựa trên tế bào gốc và liệu pháp miễn dịch ung thư”, tiến sĩ Kaufman giải thích trong một thông cáo báo chí. “Thử nghiệm lâm sàng này đại diện cho việc sử dụng đầu tiên các tế bào được sản xuất từ ​​các tế bào gốc đa năng cảm ứng có nguồn gốc từ người để điều trị và chống ung thư.”
    “Cùng với Fate Therapeutics, chúng tôi đã có thể chỉ ra trong nghiên cứu tiền lâm sàng rằng chiến lược mới này để tạo ra các tế bào giết tự nhiên có nguồn gốc tế bào gốc đa năng cảm ứng người có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả trong nuôi cấy tế bào và trên mô hình chuột”, ông nêu.
    Sẽ cần thời gian chờ đợi cho đến khi có kết quả thử nghiệm. Tuy nhiên, thử nghiệm này đã đem lại bước mở đường, không chỉ cho một thế hệ liệu pháp miễn dịch mới để điều trị ung thư mà còn cho các liệu pháp khác dựa trên tế bào iPS.


    Triển vọng tại Việt Nam
    Tại Việt Nam, thuốc tế bào gốc trong điều trị nhiều bệnh lý thoái hóa đang được tiến hành. Điển hình là thuốc Cartilatist trong điều trị thoái khóa khớp gối và cột sống dưới sự hợp tác giữa Viện Tế bào gốc (trường ĐH KHTN TP. HCM) và Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư cũng đang được quan tâm. Các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ở mức tiền lâm sàng đã được thực hiện trong một thời gian dài (từ năm 2010), từ khi Viện Tế bào gốc còn là Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, trường ĐH KHTN TP.HCM. Một số đơn vị ứng dụng trong nước cũng đang sử dụng hoặc có kế hoạch sử dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư như Bệnh viện Quốc tế Vinmec, Trung tâm nghiên cứu gene và protein (Đại học Y Hà Nội)….
    Đơn vị nghiên cứu đã có, đơn vị ứng dụng cũng sẵn sàng. Vì vậy, trong tương lai, nếu được định hướng một cách rõ ràng và quyết liệt từ nhà nước, nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp thì việc đưa ra một sản phẩm kết hợp giữa thuốc tế bào và liệu pháp miễn dịch để tạo ra thuốc tế bào trong điều trị ung thư có tính khả thi cao.

    TS Vũ Bích Ngọc (Viện Tế bào gốc, ĐHKHTN TP.HCM)

    Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/

  • Công nghệ bảo quản đông lạnh tế bào gốc: không huyết thanh, không chất bảo quản lạnh và đạt tiêu chuẩn tiêm truyền đầu tiên

    Công nghệ bảo quản đông lạnh tế bào gốc: không huyết thanh, không chất bảo quản lạnh và đạt tiêu chuẩn tiêm truyền đầu tiên

    Bảo quản đông lạnh tế bào gốc là phương pháp hiệu quả duy nhất để bảo quản tế bào gốc trong thời gian dài. Công nghệ bảo quản hiện tại thường sử dụng huyết thanh (bò hay người) kết hợp với chất bảo quản lạnh (thường là 10% DMSO). Công nghệ này có thể giúp bảo quản đông lạnh tế bào gốc trong thời gian dài và tế bào gốc có thể sống sau khi được rã đông. Tuy nhiên, vì chứa huyết thanh và DMSO nên tế bào gốc sau khi được rã đông cần được rửa kĩ để loại bỏ các thành phần này trước khi được sử dụng trên người. Công nghệ off-the-shelf stem cells (thuốc tế bào gốc) ra đời đòi hỏi một công nghệ bảo quản mới mà ở đó không sử dụng huyết thanh hay DMSO trong môi trường bảo quản và thành phần chất bảo quản là rõ ràng, xác định, và an toàn khi sử dụng trực tiếp trên người (tiêm hay truyền). Nghiên cứu từ năm 2008, Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM đã phát triển thành công công nghệ bảo quản tế bào gốc CryoSave với 3 thế hệ: Cryosave I, Cryosave II, và Cryosave III. Trong đó công nghệ Cryosave III là công nghệ đột phá, độc đáo bậc nhất hiện nay trên thị trường: không sử dụng huyết thanh (người và động vật), không sử dụng DMSO hay bất kì chất bảo quản nào; thành phần các chất là xác định, thoả mãn các tiêu chuẩn tiêm và truyền trực tiếp dung dịch vào bệnh nhân.

    Vậy công nghệ bảo quản đông lạnh tế bào gốc là gì ?

    Bảo quản đông lạnh (Cryopreservation) là một quá trình bảo quản tế bào, mô… ở nhiệt độ thấp. Ở nhiệt độ đủ thấp, hoạt tính của các enzyme bị ngưng lại hoàn toàn.

    Một trong những thuyết quan trọng về đông lạnh được đề xuất bởi James Lovelock. Năm 1953, lần đầu tiên ông đã đề nghị rằng các tổn hại trên tế bào hồng cầu trong quá trình đông lạnh là do stress áp suất thẩm thấu. Bảo quản đông lạnh được tiến hành ở tế bào người đầu tiên vào năm 1954 (đông lạnh tinh trùng).

    Việc đông lạnh thường gây chết tế bào bởi vì sự hình thành các tinh thể nước đá bên trong tế bào chất mà gây vỡ cấu trúc protein, bào quan của tế bào. Vì thế, việc sử dụng chất bảo quản lạnh (cryoprotectant) đã giảm đáng kể những tác động bất lợi này. Một số chất bảo quản lạnh được sử dụng trong bảo quản đông lạnh tế bào như DMSO, glycerol, polypropylene, trehalose… Trong đó DMSO là chất sử dụng nhiều nhất trong bảo quản tế bào gốc; đặc biệt là tế bào gốc trung mô.

    Tuy nhiên, DMSO là chất độc với tế bào nên có nhiều tác động bất lợi lên tế bào. Nhiều công nghệ mới phát triển trong thời gian gần đây nhằm giảm nồng độ DMSO hay loại bỏ hoàn toàn chất bảo quản lạnh trong môi trường bảo quản đông lạnh tế bào gốc.

    Trong thời gian gần đây, công nghệ off-the-shelf stem cell mở ra một kỉ nguyên mới cho tế bào gốc; và nhu cầu sử dụng môi trường bảo quản đông lạnh không độc, có thể tiêm truyền vào cơ thể cùng với tế bào gốc ngày càng tăng. Thật vậy, với công nghệ thuốc tế bào gốc, tại các cơ sở y tế, bác sĩ có thể sử dụng trực tiếp sản phẩm tế bào gốc trên bệnh nhân mà không cần phải đưa vào phòng thí nghiệm để li tâm loại bỏ môi trường bảo quản đông lạnh trước khi tế bào gốc được sử dụng.

    Đột phá và khác biệt từ công nghệ bảo quản tế bào gốc của Viện Tế bào gốc

    Với tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của liệu pháp tế bào nói chung mà cụ thể là liệu pháp tế bào gốc bằng công nghệ off-the-shelf stem cells. Viện Tế Bào Gốc đã không ngừng phát triển và cải tiến dòng sản phẩm Cryosave trong một thập kỉ qua với ba thế hệ I, II và III bằng các công nghệ và mục đích sử dụng khác nhau. Trong đó sản phẩm mới nhất cryosave III là thế hệ ưu việt và hoàn hảo nhất.

    Thông thường, Việc bảo quản tế bào gốc trung mô thường được tiến hành bằng cách sử dụng môi trường nuôi bổ sung 10% DMSO. Trong môi trường nuôi chứa sẵn các chất dinh dưỡng với 10-20% huyết thanh bò.

    Thế mạnh công nghệ CyroSave III. Viện Tế bào gốc

    Tuy nhiên với môi trường bảo quản đông lạnh dạng này, nhiều yếu tố bất lợi đã được ghi nhận như:

    • Môi trường chứa huyết thanh bò, không thể sử dụng trực tiếp trên người
    • DMSO có tính độc cao trên tế bào và cả trên người
    • Môi trường có độ ổn định thấp bởi vì chứa các thành phần ít ổn định chất lượng như huyết thanh bò
    • Các môi trường này có rủi ro cao khi sử dụng để bảo quản tế bào gốc cho cấy ghép điều trị trên người

    Loại bỏ chất bảo quản lạnh như DMSO ra khỏi công thức môi trường bảo quản đông lạnh là thách thức lớn nhất trong công nghệ bảo quản tế bào gốc off-the-shelf.

    Bằng kinh nghiệm và không ngừng cập nhật những kiến thức cũng như xu hướng mới của công nghệ trên thế giới, chúng tôi đã có những bước đột phá để cho ra đời sản phẩm Cryosave III hoàn toàn không chứa DMSO và huyết thanh tuy nhiên vẫn đảm bảo tỉ lệ sống của tế bào trên 75% đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu cho việc sử dụng mẫu tế bào gốc sau khi đông lạnh cho cấy ghép điều trị theo khuyến cáo của FDA, Mĩ.

    Sản phẩm CryoSave I, II và III

    Không dừng lại ở đó, Cryosave III còn mang đến sự khác biệt là môi trường đông lạnh duy nhất có thể lưu trữ và vận chuyển ở nhiệt độ phòng. Nhờ vậy mà khâu bảo quản và vận chuyện trở nên đơn giản, giảm thiểu tối đa chi phí và thuận tiện cho người sử dụng.

    Quy trình đông lạnh và rã đông sử dụng môi trường CyroSave I, II và III

    Bạn quan tâm đến công nghệ CryoSave và muốn tìm hiểu thêm về công nghệ có thể đọc thêm tại đây: https://vientebaogoc.edu.vn/wpcproduct/cong-nghe-cryosave/

    Bạn muốn hợp tác chuyển giao công nghệ, sản xuất OEM, xin vui lòng liên hệ tại đây: https://vientebaogoc.edu.vn/contacts/

    Tin SCI

  • Viện Tế Bào Gốc thành lập PTN đánh giá chất lượng tế bào gốc đầu tiên ở Việt Nam

    Viện Tế Bào Gốc thành lập PTN đánh giá chất lượng tế bào gốc đầu tiên ở Việt Nam

    Viện Tế bào gốc thành lập phòng thí nghiệm (PTN) đánh giá chất lượng tế bào gốc nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm tế bào gốc ứng dụng trong y học và cũng là một cơ quan phục vụ ngoại kiểm cho các cơ sở sản xuất tế bào gốc trong và ngoài nước. Một số chỉ tiêu đánh giá của PTN sẽ được thực hiện theo ISO17025.

    Tế bào gốc đang trở thành một sản phẩm mới trong ngành sinh dược phẩm. Việc ứng dụng tế bào gốc ngày càng rộng rãi ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ở nhiều quốc gia, việc sản xuất tế bào gốc đòi hỏi theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn của quốc gia để đảm bảo chất lượng tế bào gốc trước khi được thương mại và sử dụng cho điều trị. Ở Việt Nam, chưa có các công ty, tập đoàn lớn về tế bào gốc; việc sản xuất tế bào gốc sử dụng trong điều trị bệnh có nhỏ lẻ ở một số phòng thí nghiệm, bệnh viện… Vì việc đầu tư cơ sở vật chất nói chung, trang thiết bị nói riêng cho phòng đánh giá và kiểm chuẩn chất lượng tế bào gốc tốn nhiều chi phí; và ở nước ta hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào có thể thực hiện một cách đồng bộ, đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng của tế bào gốc; Viện Tế bào gốc thành lập phòng thí nghiệm (PTN) đánh giá chất lượng tế bào gốc nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm tế bào gốc ứng dụng trong y học và cũng là một cơ quan phục vụ ngoại kiểm cho các cơ sở sản xuất tế bào gốc trong và ngoài nước. Một số chỉ tiêu đánh giá của PTN sẽ được thực hiện theo ISO17025.

    Việc thực hiện đánh giá các tiêu chuẩn chất lượng của tế bào gốc là một trong các hoạt động của PTN Đánh giá hoạt tính sinh học (Laboratory for Assessment of Biological Activity – LABA). LABA là kết quả của việc đầu tư của Viện Tế bào gốc và tài trợ của Ngân hàng Thế giới thông qua tiểu dự án “Nâng cao năng lực tự chủ thông qua nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc phục vụ điều trị một số bệnh trên người” (15/FIRST/2a/SCI) thuộc dự án Đẩy mạnh Đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) của Bộ Khoa học và Công nghệ.

    LABA sẽ thực hiện các dịch vụ đánh giá tế bào gốc, hoạt tính sinh học trên tế bào người và động vật, bao gồm:

    • Các chỉ tiêu hoá lý
    • Các chỉ tiêu vi sinh
    • Các chỉ tiêu chất lượng tế bào gốc trung mô
    • Các chỉ tiêu chất lượng tế bào gốc tạo máu
    • Các đánh giá độc tính/hoạt tính lên tế bào người và động vật

    LABA có 100 m2 phòng sạch cấp 10,000  với các trang thiết bị hiện đại, độ chính xác cao như hệ thống Microconfocal (Molecular Devices), hệ thống UHPLC (Agilent), hệ thống phân tách thu nhận phân đoạn (GE Healthcare), hệ thống đo nội độc tố với độ nhạy cao, máy định tính, định lượng mycoplasma, hệ thống siêu li tâm, các hệ thống flow cytometer (BD Bioscience), hệ thống chiết rót chất lỏng tự động (Beckman Coulter, Eppendorf)… với tổng giá trị của LABA lên đến 40 tỉ đồng.

    LABA sẽ thực hiện đánh giá theo ISO17025 cho một số chỉ tiêu quan trọng trong năm 2019. Theo kế hoạch, LABA bắt đầu nhận dịch vụ từ tháng 9.2019.

    Tin. Phòng KHCN & SHTT, Viện Tế bào gốc

  • Hệ sinh thái tế bào gốc Viện Tế bào gốc: những kết quả bước đầu

    Một sản phẩm công nghệ cao luôn chứa đựng hàng chục đến hàng trăm công nghệ khác nhau. Để được đưa ra thị trường, sản phẩm ấy đã trải qua nhiều bước phát triển từ nghiên cứu cơ bản, mà ở mỗi bước đó, công nghệ được hoàn thiện ở một mức độ nhất định; được gọi là mức độ sẵn sàng công nghệ. Thông thường, tại mỗi cơ sở, đơn vị tham gia vào trong chuỗi phát triển công nghệ chỉ có thể thực hiện một vài mức sẵn sàng công nghệ khác nhau. Nhận thức được thực trạng đó, Viện Tế bào gốc đã nỗ lực xây dựng Hệ sinh thái Viện tế bào gốc (SCI Ecosytem) với mỗi “quần xã, quần thể” trong hệ sinh thái đảm trách việc hoàn thiện một “mức độ sẵn sàng công nghệ” khác nhau.

    Mức độ sẵn sàng công nghệ là gì?

    Mức độ sẵn sàng công nghệ (TRL) là mức độ “trưởng thành” của công nghệ đạt được trong suốt quá trình phát triển công nghệ. Khái niệm TRL được phát triển tại NASA vào những năm 1970. Ở một số quốc gia, các dự án, đề tài nghiên cứu và đổi mới sáng tạo luôn được phân loại theo mức độ sẵn sàng công nghệ khi đánh giá và tài trợ. Việc đánh giá này góp phần đáng kể vào việc đánh giá đề tài và quản lí kết quả sau khi nghiệm thu.

    Tại Viện Tế bào gốc, tất cả các kết quả nghiên cứu đều được ghi nhận và đánh giá theo mức độ hoàn thiện công nghệ như dưới đây. Dựa vào độ trưởng thành của công nghệ, công nghệ được Lãnh đạo Viện xem xét đầu tư và hợp tác phát triển.


    Hình 1. Các mức độ sẵn sàng công nghệ được phân loại tại Viện Tế bào gốc

    Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc (SCI Ecosystem)

    Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc là tập hợp các đơn vị hợp tác theo chuỗi phát triển hoàn thiện công nghệ tế bào gốc. Đến nay, những nét chính trong hệ sinh thái này đã hình thành với các mức độ hoàn thiện công nghệ rõ ràng cùng với các đơn vị tham gia trong chuỗi này (Hình 2):

    • Mức TRL 1-2: PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, PTN Nghiên cứu Ung thư
    • Mức TRL 2-4: Viện Tế bào gốc (gồm các đơn vị CRD (Trung tâm Nghiên cứu Phát triển), CBT (Trung tâm đào tạo Y sinh), LACU (PTN Chăm sóc và sử dụng động vật), LABA (PTN Đánh giá hoạt tính sinh học)
    • Mức TRL 5-7: Trung tâm Đổi mới sáng tạo và sản xuất thực nghiệm (CIPP)
    • Mức TRL 8-9: Công ty Geneworld, Công ty TNHH BVĐK Vạn Hạnh, Công ty TNHH The Cell và 12 đơn vị ứng dụng khác

    Trong thời gian tới, Viện Tế bào gốc tiếp tục hợp tác các đối tác để hình thành Trung tâm thử nghiệm lâm sàng tế bào gốc, Hội thử nghiệm lâm sàng tế bào gốc quốc tế.


    Hình 2. Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc sau 10 năm xây dựng từ PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, Trường Đại học KHTN, ĐHQG Tp.HCM
    . (Màu xanh (xanh dương và xanh jean): đã xây dựng; màu vàng: đang xây dựng; màu đỏ: chưa thành lập).

    Sự hình thành ngày càng rõ nét của Hệ sinh thái Viện Tế bào gốc đã khẳng định chiến lược phát triển và quy hoạch phát triển theo mức độ sẵn sàng công nghệ của Viện bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng kích lệ.

    Theo PGS.TS. Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc, hệ sinh thái Viện Tế bào gốc sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành công và phát triển bền vững của Viện Tế bào gốc nói riêng và các đơn vị trong hệ sinh thái nói chung. Ông còn cho biết thêm, tồn tại trong hệ sinh thái, các đơn vị được gắn bó mật thiết với nhau bởi sợi dây công nghệ, giúp các đơn vị “mạnh hơn”, tránh được các “sóng gió” công nghệ bên ngoài.

    Theo PGS Phúc: “Mục tiêu sắp tới của chúng tôi là làm sao hệ sinh thái này được bền vững”. Theo đó, hệ sinh thái Viện Tế bào gốc hướng đến xây dựng mô hình bền vững như Hình 3.


    Hình 3. Cấu trúc bền vững của hệ sinh thái Viện Tế bào gốc trong tương lai.

    P. Khoa học Công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Viện Tế bào gốc

  • Tế bào gốc sẽ “thay đổi cuộc chơi” trong chữa trị bệnh tật?

    Hàng ngàn nhà nghiên cứu tế bào gốc hàng đầu thế giới đã mặt tại Los Angeles trong tuần trước để thảo luận về triển vọng cho một tương lai không bệnh tật ở con người tại hội thảo Quốc tế (thường niên) về nghiên cứu tế bào gốc 2019. Quả thực, tế bào gốc đang đóng một vai trò quan trọng để triển vọng này trở thành hiện thực, bởi vì đây là những tế bào rất linh hoạt, trong điều kiện thích hợp, chúng có thể được định hướng để phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể.

    Những quan điểm dưới đây của bác sĩ Deepak Srivastava, nhà nghiên cứu uy tín về tế bào gốc, đã nghiên cứu cách thức các tế bào được tái lập trình để sửa chữa các mô tim bị tổn thương, hiện là chủ tịch của Viện nghiên cứu Gladstone và sẽ là chủ tịch của Hiệp hội nghiên cứu tế bào gốc quốc tế nhiệm kỳ tới, sẽ cho chúng ta thấy tại sao tế bào gốc lại là một yếu tố giúp “thay đổi cuộc chơi” trong triển vọng chữa trị bệnh tật. Chúng tôi tóm lược lại quan điểm của ông và bình luận về vấn đề này ở Việt Nam.

    Giúp tái tạo và thay thế

    Trước đây, các bác sĩ thường cho rằng con người sẽ mắc các bệnh do cơ quan trong cơ thể bị mất tế bào (do tổn thương hoặc lão hoá). Khi số lượng tế bào bị mất nhiều tới mức  tế bào không có hoặc ít có khả năng tái tạo đủ dẫn đến chức năng của cơ quan bị suy yếu. Vì vậy trong lĩnh vực y tế, các bác sĩ chỉ có thể cố gắng tìm ra các liệu pháp để giúp khắc phục các ảnh hưởng của bệnh. Nhưng với các tế bào gốc, các nhà nghiên cứu đã không còn chấp nhận ý tưởng này rằng mọi người bị bệnh do các tế bào bị mất và rằng y tế chỉ có thể khắc phục được ảnh hưởng của bệnh. Trong cách nhìn nhận của các nhà nghiên cứu, các mô tổn thương có thể được khắc phục,  khôi phục  hoặc tái tạo. Vì vậy, Tế bào gốc trở thành một yếu tố “thay đổi cuộc chơi” trong trị liệu bệnh của con người.


    Nhiều quốc gia, khu vực đang phát triển cũng đã sử dụng các liệu pháp chữa trị bằng tế bào gốc. Trong ảnh: Sử dụng liệu pháp chữa trị bằng tế bào gốc ở Nam Phi. Ảnh: theconversation.com

    Đối với các bệnh lý về di truyền, ví dụ như bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, các nhà nghiên cứu có thể lấy máu từ bất kỳ người trưởng thành nào bị mắc bệnh, sau đó làm cho tế bào đó trở thành tế bào gốc giống tế bào gốc phôi. Tiếp theo, họ sử dụng các công cụ điều chỉnh gen để sửa chữa các đột biến gây ra bệnh, làm cho các tế bào gốc đã được chỉnh sửa này có thể biệt hoá để tạo thành tế bào trưởng thành không bị bệnh và đưa tế bào đã được chỉnh sửa gen (không đột biến) trở lại bệnh nhân thông qua truyền máu đơn giản.

    Điều tương tự cũng đúng đối với các tế bào miễn dịch trong hội chứng  “cậu bé bong bóng xà phòng (bubble boy)” – một dạng suy giảm miễn dịch kết hợp trầm trọng, trong đó trẻ em thiếu hệ thống miễn dịch hoạt động và các loại bệnh khác.

    Giúp tìm ra các loại thuốc đột phá

    Nghiên cứu tế bào gốc không chỉ để tái tạo và thay thế, mà còn để khám phá ra các loại thuốc thích hợp cho một loạt bệnh. Khi các nhà nghiên cứu hoặc các bác sĩ xác định được nguyên nhân di truyền của bệnh ở người, thách thức của họ là tìm ra liệu pháp điều trị căn bệnh di truyền này. Ví dụ: khi họ biết về một đột biến gen gây ra bệnh Alzheimer và muốn sàng lọc các loại thuốc có thể khắc phục vấn đề trong các tế bào não từ một bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer, họ không thể làm điều đó bởi vì họ chắc chắn không thể sinh thiết não. Với các công cụ chỉnh sửa gen cho tế bào gốc, các nhà nghiên cứu có thể biến tế bào gốc thành các tế bào não với sự đột biến gây ra bệnh Alzheimer. Sau đó họ đưa các loại thuốc cần thử nghiệm lên loại tế bào này để  sàng lọc các loại thuốc có thể hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer.

    Khi các nhà nghiên cứu biến tế bào gốc thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể chúng ta, họ thường thực hiên nuôi cấy  tế bào ở dạng 2D (nuôi cấy lớp đơn). Nhưng trong thực tế, các cơ quan lại tồn tại ở dạng ba chiều với một cấu trúc gồm nhiều loại tế bào khác nhau để tạo thành môt cơ quan có chức năng hoàn chỉnh. Để hiểu chính xác hơn các quá trình bệnh, các tế bào nên được đặt trong một cấu trúc 3D như trong chính cơ thể của chúng ta chứ không phải chỉ được nuôi trong một đĩa nuôi 2D.

    Bước đột phá nằm trong nghiên cứu liên quan đến việc tạo ra một dạng cơ quan (organoids) với sự phối  hợp của nhiều loại tế bào. Organoids không phải là các cơ quan đầy đủ nhưng chúng mô phỏng được phần lớn sự phức tạp của một cơ quan.

    Việc tạo ra organoids có giá trị lớn trong y học bởi vì, khi chúng ta cố gắng tạo ra các organoids có chứa đột biến gây bệnh, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về vai trò của thuốc. Thay vì sàng lọc các loại thuốc trong hệ thống 2D, chúng ta có thể làm điều đó với các organoids để đưa ra một dự đoán tốt hơn về cách thức mà một cơ quan với chức năng hoàn thiện sẽ hoạt động.

    Organoids là sự hội tụ của nhiều công nghệ giúp chúng ta điều trị bệnh ở người theo một cách rất khác so với trước đây.Chúng ta đã đạt đến một bước ngoặt thực sự trong việc đưa các nghiên cứu trong lĩnh vực y học tái tạo đến với người bệnh. Hiện tại, nhiều thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành, ví dụ các thử nghiệm trong chấn thương cột sống, bệnh Parkinson và bệnh mù lòa. Xét ở góc độ các nguyên nhân gây ra bệnh là do các tế bào ở vùng tổn thương bị chết đi, các điều trị đơn giản là biến các tế bào gốc thành các tế bào bị  thiếu và cấy chúng trở lại vị trí tổn thương.

    Tế bào gốc có thể giúp thay đổi cục diện điều trị bệnh tại Việt Nam?

    Tế bào gốc đang trở thành một lĩnh vực với doanh thu ngày một tăng nhanh ở các nước có sự đầu tư lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ ,Canada… Tại Việt Nam, các đơn vị đầu tư cho tế bào gốc, đặc biệt là một số bệnh viện cũng đang hưởng lợi lớn từ hoạt động ứng dụng công nghệ này trong điều trị bệnh và làm đẹp. Các nghiên cứu cơ bản về gen, tế bào gốc, kỹ nghệ mô đã và đang được thực hiện với quy mô ngày một lớn với định hướng ứng dụng vào thực tế. Các động vật chuyển gen như cá phát sáng, chuột phát sáng hay một số sản phẩm chuyển gen khác đã được tạo ra tại các phòng thí nghiệm của Trung tâm công nghệ sinh học TP-HCM, Viện Tế bào gốc, Trường Đại học khoa học Tự nhiên, Trường đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM … Các mô hình organoids từ tế bào ung thư, tế bào gốc trung mô… cũng đã được xây dựng thành công và đang áp dụng trong các thử nghiệm sàng lọc thuốc.

    Tiềm năng cho nghiên cứu tế bào gốc là rất lớn, bởi hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã tham gia vào thị trường sản xuất và chuyển giao công nghệ thuốc tế bào gốc

    Tiềm năng là thế, nhưng cũng giống như nhiều quốc gia khác, các chính sách về tế bào gốc ở Việt Nam còn chưa có. Mặc dù luật về máu và tế bào gốc đã được dự thảo từ năm 2015 nhưng đến nay, sau gần 4 năm vẫn chưa đươc ban hành. Chưa có thêm các hướng dẫn khác về việc triển khai nghiên cứu, khai thác, ứng dụng hay các hoạch định chiến lược cho lĩnh vực nghiên cứu này. Các đề tài dự án về tế bào gốc chưa được định hướng và quy hoạch một cách rõ ràng. Các dự án đầu tư về sản xuất và ứng dụng tế bào gốc trong y học vẫn đang được các đơn vị mà chủ yếu là tư nhân thực hiện nhưng mạnh ai nấy đi. Đó cũng là lí do khiến cho việc khởi động một nền công công nghiệp đầy tiềm năng – công nghiệp tế bào gốc tại Việt Nam đến nay vẫn đang manh mún và chưa thể nhìn thấy được cụ thể hiệu quả đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của lĩnh vực này.

    TS Vũ Bích Ngọc lược thuật và bình luận

    Nguồn bài gốc: https://www.latimes.com/science/stem-cell-science-isscr-20190627-story.html

    Nguồn: Báo KH&PT

  • Cấy ghép tế bào sụn tự thân

    Tổn thương sụn khớp (còn được gọi là tổn thương sụn), hoặc tổn thương cả sụn và xương bên dưới (còn được gọi là tổn thương xương khớp), đều không có khả năng tự sửa chữa và dẫn đến kết quả gây ra chứng đau khớp và chức năng kém.

    Các tổn thương như vậy thường gặp sau chấn thương, và nếu không được điều trị có thể dẫn đến viêm xương khớp. Khớp đầu gối thường bị ảnh hưởng nhất. Bệnh nhân trên 60 tuổi bị viêm xương khớp có nhiều khả năng phải thay khớp gối toàn phần. Tuy nhiên, bệnh nhân trẻ tuổi phải đối mặt với một vấn đề, đó là do khớp thay thế có tuổi thọ hạn chế, sau 10-15 năm bệnh nhân phải thay khớp mới, khi này tuổi của bệnh nhân đã lớn. Đồng thời, khi thay khớp gối lần thứ hai phải đối mặt với các kỹ thuật phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với thay khớp lần đầu.

    Quy trình cấy ghép tế bào sụn tự thân

    Do đó, các kỹ thuật nhằm thúc đẩy quá trình tái tạo sụn trong (hyaline) trở nên rất hấp dẫn, vì chúng vừa giúp sửa chữa mô, vừa cho phép bệnh nhân trẻ thực hiện được các hoạt động sinh hoạt trước đó. Kỹ thuật như vậy là được gọi là kỹ thuật cấy tế bào sụn tự thân (ACI).

    ACI là một quy trình tương đối mới, hiện đại được sử dụng để điều trị các tổn thương toàn bộ (xuống xương) sụn khớp. Đây là kỹ thuật để tái tạo sụn trong trong một khu vực bị tổn thương hoặc bị hư hỏng của khớp thông qua việc cấy ghép các tế bào sụn. Kỹ thuật này đã được sử dụng rộng rãi kể từ khi nó được giới thiệu vào những năm 1980. Nó đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt cho điều trị các tổn thương sụn nằm ở cuối xương đùi. Ngoài các khớp khác của cơ thể, ACI cũng đã được thực hiện cho các tổn thương của xương bánh chè (đầu gối). ACI đã đạt được kết quả lâu dài tuyệt vời, cả về sửa chữa sụn và giúp bệnh nhân trở lại hoạt động như trước đó. Cấy tế bào sụn tự thân là một quy trình phẫu thuật hai giai đoạn.

    Quy trình đầu tiên được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi trong vòng chưa đầy 30 phút. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thu một mảnh sụn khớp nhỏ từ đầu gối bệnh nhân. Sinh thiết sụn này sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để xử lý bằng enzyme nhằm phân lập các tế bào tiền thân tạo sụn. Đây là các tế bào sản xuất sụn của cơ thể. Sau đó, các tế bào tiền thân tạo sụn sẽ được nuôi tăng sinh về số lượng và gửi lại cho bác sĩ phẫu thuật khoảng 6 đến 8 tuần sau đó để cấy ghép.

    Quy trình thứ hai là phẫu thuật. Phẫu thuật là một quy trình mở, theo đó một miếng vá nhỏ được khâu trên vùng sụn khớp bị khiếm khuyết. Các tế bào sụn đã được phân lập và nuôi tăng sinh số lượng sau đó được tiêm bên dưới miếng vá này. Tại đây, chúng dính vào đầu gối bệnh nhân để tạo thành cái gọi là sụn giống như hyaline và giống như sụn khớp tự nhiên. Sau khi cấy ghép, bệnh nhân bị giới hạn một khoảng thời gian không được mang vách nặng trong tối đa 8 tuần. Trong thời gian này, việc vật lý trị liệu được áp dụng đối với hoạt động của đầu gối và các hoạt động tăng cường khác theo chỉ định.Bác sĩ cũng có thể đề nghị sử dụng máy vận động thụ động liên tục (CPM) để cải thiện hiệu quả cấy ghép. Quay trở lại các hoạt động thể thao nhẹ thường được cho phép vào khoảng 6 tháng và trở lại các hoạt động thể thao đầy đủ trong khoảng từ 9 đến 12 tháng sau khi làm thủ thuật dựa trên sự phục hồi của bệnh nhân. Tỷ lệ thành công chung của ACI là khoảng 85% trong việc cho phép bệnh nhân quay trở lại các hoạt động mà không bị đau.

    ACI được khuyên dùng cho những bệnh nhân trẻ tuổi có triệu chứng đau khớp và sưng, liên quan đến tổn thương khớp sụn.

    Tại Việt Nam, chưa thấy có công bố nào về việc thực hiện liệu pháp này trong điều trị bệnh lý về sụn khớp.

    Nguồn:

    https://cartilage.org/patient/about-cartilage/cartilage-repair/autologous-chondrocyte-implantation-aci

    https://www.ortho.wustl.edu/content/Patient-Care/2888/Services/Sports-Medicine/Overview/Knee/Autologous-Chondrocyte-Implantation.aspx

    Phạm Vũ Tổng hợp và dịch

  • Công nghệ mới của SCI: Sản xuất dịch tiết từ tế bào gốc trung mô đạt tiêu chuẩn cho ứng dụng trên người

    Việc thu các chất tiết từ tế bào gốc trung mô để làm thuốc là một bước quan trọng trong quá trình sản xuất thuốc. Thế nhưng rào cản lớn nhất về kĩ thuật hiện tại đó là các chất tiết bị trộn lẫn trong môi trường nuôi tế bào gốc trung mô; nhưng môi trường nuôi cấy chúng không đạt các tiêu chuẩn để sử dụng trên người. Lần đầu tiên tại Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM nghiên cứu và sản xuất thành công môi trường nuôi cấy để thu nhận chất tiết từ tế bào gốc; quan trọng hơn là môi trường nuôi cấy được sản xuất theo công nghệ và tiêu chuẩn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của sản phẩm có thể sử dụng trên người.

    Tế bào gốc trung mô là một loại tế bào gốc có nhiều đặc tính đặc biệt. Khoảng 10 năm trở lại đây, tế bào gốc trung mô được sử dụng nhiều và trở thành loại tế bào gốc ứng dụng nhiều nhất trong những năm gần đây. Cơ chế trị liệu của chúng khá đa dạng; trong đó cơ chế tiết các chất để tác động lên tế bào và mô khác là một cơ chế được sử dụng rộng rãi trong điều trị. Ngày càng nhiều báo cáo cho thấy tế bào gốc trung mô sản xuất ra ngoài tế bào nhiều chất có hoạt tính kích thích tế bào gốc tự thân (nội sinh) của bệnh nhân tăng sinh, tự làm mới; ức chế quá trình xơ hoá; ức chế quá trình chết apoptosis. Việc thu các chất tiết từ tế bào gốc trung mô để làm thuốc là một bước quan trọng trong quá trình sản xuất thuốc. Thế nhưng rào cản lớn nhất về kĩ thuật hiện tại đó là các chất tiết bị trộn lẫn trong môi trường nuôi tế bào gốc trung mô; nhưng môi trường nuôi cấy chúng không đạt các tiêu chuẩn để sử dụng trên người. Lần đầu tiên tại Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM nghiên cứu và sản xuất thành công môi trường nuôi cấy để thu nhận chất tiết từ tế bào gốc; quan trọng hơn là môi trường nuôi cấy được sản xuất theo công nghệ và tiêu chuẩn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của sản phẩm có thể sử dụng trên người.

    Theo các báo cáo gần đây; tế bào gốc trung mô sau khi cấy ghép vào cơ thể có thể tạo nên các tác động điều trị nhờ vào 3 cơ chế chính:

    • (1) Chúng có thể di chuyển đến vị trí mô tổn thương, biệt hoá và thay thế các tế bào tổn thương
    • (2) Chúng có thể gây nên đáp ứng điều biến miễn dịch trên cơ thể nhận mà từ đó điều chỉnh đáp ứng miễn dịch
    • (3) Chúng có thể tiết ra các chất gây nên các tác động theo kiểu endocrine hay paracrine.
    Những đặc điểm nổi bật của công nghệ MSCCult MV.

    Hiện tại, một số sản phẩm từ tế bào gốc trung mô đã sử dụng một trong những cơ chế này để điều trị; trong đó việc sử dụng dịch tiết từ tế bào gốc trung mô có nhiều tiềm năng bởi lẽ nó là phương pháp không chứa tế bào nên dễ dàng sản xuất và sử dụng.

    Với các công nghệ hiện tại, các chất tiết từ tế bào gốc trung mô sẽ trộn lẫn trong môi trường nuôi tế bào; việc sử dụng cocktail này có nhiều hạn chế vì môi trường nuôi tế bào không đạt tiêu chuẩn sử dụng trên người.

    Để giải quyết vấn đề trên, Viện Tế bào gốc đã nghiên cứu phát triển môi trường nuôi cấy (tên thương mại MSCCult MV) là môi trường được sản xuất theo các tiêu chuẩn dược phẩm để sử dụng trên người.

    MSCCult MV có nhiều ưu điểm vượt trội để việc thu dịch tiết như:

    • Không chứa thành phần từ động vật
    • Kích thích tế bào tiết chất nhiều hơn ra môi trường
    • Bảo vệ các chất tiết không bị mất hoạt tính và phân huỷ
    • Dịch nuôi chứa chất tiết đạt tiêu chuẩn sử dụng trên người (với điều kiện tế bào gốc trung mô đạt tiêu chuẩn và quy trình sản xuất đạt chuẩn)

    Tế bào gốc trung mô tiết ra ngoài tế bào nhiều chất khác nhau có thể chia thành 3 nhóm chính:

    1. Các phân tử protein tự do, các peptide, các chất phân tử nhỏ
    2. Các túi tiết lớn (microvesicles)
    3. Các túi tiết nhỏ nanovesciles (exosome)

    Các phân tử protein tự do có thể là các yếu tố tăng tưởng như EGF, FGF… Trong khi đó các túi tiết chứa nhiều thành phần khác nhau kể cả các phân tử RNA. Những thành phần tiết này thực hiện nhiều vai trò sinh học quan trọng từ kích thích hình thành mạch máu mới, điều biến miễn dịch…

    Tin: P. KHCN & SHTT, SCI

  • STEM CELL SUMMER_chương trình khoa học hè thú vị cho học sinh sinh viên

    STEM CELL SUMMER_chương trình khoa học hè thú vị cho học sinh sinh viên

    Stem cell summer là chương trình hè thường niên do Chi Đoàn cán bộ trẻ PTN Tế Bào Gốc thuộc hai đơn vị là Viện Tế Bào Gốc và PTN NC&UD Tế Bào Gốc, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM thực hiện. Chương trình gồm 2 hoạt động: stem cell summer scholl và stem cell summer tour.

    Stem cell summer 2019 _Kết nối và lan tỏa

    Stem cell summer ra đời với mục đích nhằm khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học, định hướng ngành nghề cho các em học sinh từ các trường THPT và chuyên ngành cho các sinh viên từ các trường đại học trên khắp cả nước. Bên cạnh đó tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên tiếp xúc với những tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc và trải nghiệm thực sự công việc nghiên cứu tại Viện Tế bào gốc.

    Với tinh thần đam mê khoa học và ham hỏi hỏi, chương trình đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các bạn sinh viên khắp các trường đại học và cả các bạn học sinh từ trường THPT trên toàn quốc. Số lượng đăng kí tăng dần qua các năm đã chứng tỏ được ảnh hưởng của chương trình với cộng đồng.

    100 hồ sơ đăng kí cho Stem cell summer School (chỉ tiêu chỉ có 12 khóa sinh cho 6 nhóm nghiên cứu ) và hơn 200 lượt đăng kí cho stem cell summer tour. Nhằm tạo cơ hội cho các bạn được trải nghiệm khoa học, 24 khóa sinh đến từ nhiều trường đại học và trung học phổ thông như ĐH Y dược, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y dược Cần Thơ, ĐH Quốc Tế, Khoa y ĐHQG, THPT Việt Anh, Phổ thông Năng khiếu…

    Các bạn học sinh – sinh viên trong chương trình được hướng dẫn quan sát tế bào

    Trong năm 2019, chương trình Stem cell summer với hơn 2 tuần diễn ra hoạt động (từ 15/7 đến 29/7/2019) đã có được những con số ấn tượng với gần 100 hồ sơ đăng kí cho Stem cell summer School (chỉ tiêu chỉ có 12 khóa sinh cho 6 nhóm nghiên cứu ) và hơn 200 lượt đăng kí cho stem cell summer tour. Nhằm tạo cơ hội cho các bạn được trải nghiệm khoa học, 24 khóa sinh đến từ nhiều trường đại học và trung học phổ thông như ĐH Y dược, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y dược Cần Thơ, ĐH Quốc Tế, Khoa y ĐHQG, THPT Việt Anh, Phổ thông Năng khiếu… đã được tham gia học tập, nghiên cứu tại Viện Tế Bào Gốc suốt 2 tuần.

    Buổi tổng kết và ngoại khóa của chương trình đã chứng kiến sự trưởng thành của các bạn khóa sinh. Các bạn đã biết nuôi cấy tế bào, biết nhuộm mô, biết chăm sóc chuột, biết thụ tinh nhân tạo cho chuột… và hơn hết là biết yêu khoa học hơn 1 chút nữa.

    Buổi tổng kết và ngoại khóa của chương trình Stem Cell Summer School 2019 diễn ra trong không khí vui tươi, thân mật và kết nối giữa các khóa sinh
    Các bạn học sinh – sinh viên tham quan khu nghiên cứu và phát triển của Viện Tế Bào Gốc

    Stem cell summer tour cũng gặt hái được những thành công đáng kể với hơn 200 lượt đăng kí tham gia, 20 hướng dẫn viên là các thầy/cô của Viện và PTN tế bào gốc diễn ra trong 2 tuần liên tục. Ngoài ra, chương trình còn tiếp nhận 2 đoàn tham quan từ 2 trường THPT là trường THPT APU và trường THPT Vũng Tàu.

    Stem cell summer năm 2019 đã khép lại. Hi vọng rằng chương trình sẽ ngày càng lớn mạnh để có thể thắp lên nhiều ngọn lửa đam mê khoa học trong các bạn học sinh sinh viên

    P .Thông tin truyền thông

  • TỔNG KẾT SINH VIÊN NĂM HỌC 2018-2019

    Ngày 31.07.2019, tập thể sinh viên thuộc Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc đã tổ chức buổi tổng kết năm học 2018-2019. Đến dự buổi tổng kết có sự hiện diện của ThS. Phan Lữ Chính Nhân_ Phó viện trưởng Viện Tế Bào Gốc và các thầy/cô của Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc.

    Tập thể cán bộ, sinh viên Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc

    Buổi tổng kết nhằm đánh giá, báo cáo hoạt động của sinh viên trong năm học vừa qua, đặc biệt là các sinh viên năm 4 vừa hoàn thành xong khóa luận tốt nghiệp của mình tại Viện và PTN. Theo đó, trong năm học 2018-2019, Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc có 40 sinh viên, học viên cao học. Trong đó có 24 sinh viên vừa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, trở thành tân cử nhân khoa học. Sinh viên Nguyễn Sĩ Lương và Lê Thị Hằng đã đạt thành tích xuất sắc trong buổi báo cáo trước hội đồng Sinh học và Công nghệ sinh học.

    Đối với mình, thời gian ở lab là tuổi trẻ, là trưởng thành, là một màu sắc chủ đạo của cuộc sống, là hành trang mà mình chuẩn bị cho tương lai. Và chắc chắn rằng sẽ không bao giờ quên khoảng thời gian này.

    (Sinh viên Lê Minh Thuận _ nhóm Y học tái tạo cơ xương khớp)
    Sinh viên nhóm Y học tái tạo gan
    Sinh viên nhóm Hỗ trợ sinh sản
    Sinh viên nhóm Y học tái tạo Cơ Xương Khớp
    Sinh viên nhóm Sàng lọc ung thư gan

    Cảm ơn Viện Tế Bào Gốc_ ngôi nhà thân thương, ấm áp đã cho em nhiều kỉ niệm đẹp và chỉ dạy em những bài học quý giá_ tất cả sẽ theo em trên chặn đường sau này! Chúc cho Viện ngày một thành công và phát triển !

    (sinh viên Phạm Thị Thùy Linh_ nhóm tín hiệu tế bào ung thư)

    Tại buổi tổng kết, Các bạn sinh viên đã nhận được giấy chứng nhận học tập tại Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc. Cô Đào Thị Thanh Thủy, trưởng phòng Tổ chức hành chính và công tác sinh viên đã báo cáo tổng kết hoạt động. Thầy Phan Lữ Chính Nhân thay mặt Viện Tế Bào Gốc gửi đến các em những lời cảm ơn, những lời chúc vì đã đi cùng Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc trong hành trình sinh viên của mình. Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc mãi là nhà, là nơi luôn chào đón các bạn.

    Bên cạnh đó, buổi tổng kết đã trở nên thân mật, đầy cảm xúc bởi những tiết mục văn nghệ đến từ các nhóm nghiên cứu.

    Đại học chính là một cái ” thùng nhuộm lớn “. Mỗi người đều bị nhuộm thành những màu sắc không giống nhau. Nhưng chúng ta nhất định phải giữ được “màu sắc” vốn có của riêng mình.

    (Sinh viên nhóm Hỗ trợ sinh sản sưu tầm)

    Buổi tổng kết đã khép lại một hành trình, và chắc chắn rằng hành trình mới sẽ mở ra đầy tươi mới với các bạn. Hi vọng, Viện Tế Bào Gốc và PTN Tế Bào Gốc sẽ mãi là ngôi nhà thứ hai của các bạn

    Tin: P. Thông tin truyền thông
    Ảnh: Đức Phát, Ngọc Sương