Chiều ngày 7/9/2023, Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng đã thực hiện kí kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm đẩy mạnh các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Lễ kí kết có sự tham gia của TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện trưởng cùng các thành viên đoàn làm việc của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng và PGS.TS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng cùng các thành viên đoàn làm việc của Viện Tế bào gốc.
Hình 1: Viện Tế bào gốc (ảnh bên trái) và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng (ảnh bên phải) thảo luận về các nội dung liên quan nhằm đẩy mạnh chương trình hợp tác
Phát biểu tại buổi kí kết, PGS.TS Phạm Văn Phúc trình bày về quá trình và phát triển của Viện Tế bào gốc và kỳ vọng về sự hợp tác giữa hai đơn vị sẽ nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực sinh học – công nghệ sinh học nói chung và đặc biệt là tế bào gốc. TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương cũng kì vọng sau buổi kí kết hai đơn vị sẽ cùng phát triển hợp tác học thuật và giáo dục cũng như thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên
Hình 2: Viện Tế bào gốc và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵngchính thức kí biên bản ghi nhớ hợp tác
Sau quá trình trao đổi, hai đơn vị thống nhất các nội dung biên bản hợp tác được kí kết như sau:
Khai thác tiềm năng về cơ sở hạ tầng, nhân sự, kinh nghiệm của hai bên.
Nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, sinh viên hai bên.
Quảng bá hình ảnh hai bên trước công chúng nhằm khuyến khích sự tăng trưởng lâu dài, ổn định và bền vững.
Lễ kí kết MOU với Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng đã mở ra cơ hội học tập, nghiên cứu giữa hai đơn vị, góp phần thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học kỹ thuật tại Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng
Sáng ngày 24/08/2023, Công Đoàn bộ phận Viện Tế bào gốc đã tổ chức chuyến đi nghỉ dưỡng cho Công Đoàn viên, Người lao động của Viện Tế bào gốc, trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM tại Phan Thiết, Bình Thuận.
Nhằm động viên, khuyến khích tinh thần cho tập thể cán bộ, viên chức và người lao động của Viện, Công Đoàn bộ phận Viện Tế bào gốc đã tổ chức chuyến đi nghỉ dưỡng tại Resort Cà Ty, Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận. Chuyến đi được hưởng ứng tích cực của nhiều Người lao động của Viện.
Trong chuyến nghỉ dưỡng, Người lao động đã tham gia hoạt động Về nguồn ý nghĩa. Trường Dục Thanh_ nơi chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành 20 tuổi trở thành thầy giáo trẻ nhất nơi đây là địa điểm của hoạt động Về nguồn này.
Bên cạnh đó, Công Đoàn viên, Người lao động đã tham quan nhiều địa điểm hấp dẫn của Bình Thuận như bãi tắm bùn khoáng, tháp Poshanư… Đặc biệt, buổi tiệc gala tối ngày 25/8/2023 tạo nên điểm nhấn thú vị cho chuyến đi khi mọi người được dùng tiệc thân mật và ca hát cùng nhau. Trong buổi tiệc, ban tổ chức đã bất ngờ chúc mừng sinh nhật các Công Đoàn viên trong tháng 8.
Chuyến đi kết thúc tốt đẹp và để lại nhiều ấn tượng trong lòng mỗi Người lao động.
Giải chạy SCI Marathon 2023 lần đầu tiên được tổ chức bởi Công Đoàn bộ phận Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM diễn ra ngày 22/08/2023 tại Viện Tế bào gốc.
Chạy bộ là một hình thức tập luyện hiệu quả giúp tăng cường sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Nó giúp cải thiện hệ tim mạch, hô hấp, tăng cường khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, chạy bộ giúp giải tỏa căng thẳng, giảm stress và cải thiện tâm trạng. Chạy bộ cùng nhóm bạn sẽ giúp xây dựng tinh thần đồng đội, tăng cường tình bạn và tạo ra một môi trường tích cực. Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ luôn đòi hỏi sức khỏe tốt và tinh thần tích cực nhất. Chính vì thế, giải chạy SCI Marathon 2023 được Công Đoàn bộ phận Viện Tế bào gốc tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động tăng cường đoàn kết nội bộ của Viện Tế bào gốc với mục đích rèn luyện sức khỏe và nâng cao tinh thần đồng đội của các nhân sự, sinh viên, học viên đang học tập và làm việc tại Viện Tế bào gốc.
Hình 1: Bộ Race Kit của giải SCI Marathon 2023.
SCI Marathon 2023 đã thu hút rất nhiều vận động viên tìm hiểu và tham gia vào cả ba cự li: 5 km, 10 km và 21 km. Các vận động viên là những cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên và nghiên cứu sinh đã tham gia để có cơ hội giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Đặc biệt, nhiều vận động viên là người chưa từng biết đến kĩ thuật chạy marathon và chỉ có thể chạy trong cự li rất ngắn. Ban tổ chức giải chạy đã triển khai các buổi huấn luyện để cùng nhau nâng cao thể lực và kĩ thuật cho các vận động viên vào thứ 5 hàng tuần.
Hình 2: Các vận động viên tham gia giải chạy.
Chúng tôi chạy là để tập luyện tốt cho sức khỏe, chúng tôi chạy để rèn luyện ý chí và kiên trì, chúng tôi chạy là để chinh phục các mục tiêu mới. Chúng tôi chạy, còn bạn thì sao?
Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM thông báo việc nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 như sau: Viên chức và người lao động Viện nghỉ từ thứ Sáu, ngày 01/9/2023 đến hết thứ Hai, ngày 04/9/2023. Đợt nghỉ này bao gồm 02 ngày nghỉ Lễ, 01 ngày nghỉ hàng tuần và 01 ngày nghỉ bù theo quy định.
Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM đề nghị các đơn vị có kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự, phòng cháy – chữa cháy và bảo vệ tài sản cơ quan. Những trường hợp làm việc trong ngày lễ, đề nghị đăng kí danh sách cho phòng Tổ chức Hành chính và Công tác sinh viên.
Chiều ngày 17/8/2023, đoàn làm việc của Đại học Huế do PGS.TS Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế làm trưởng đoàn đến tham quan Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM trong khuôn khổ buổi làm việc với Đại học Quốc gia Tp.HCM.
Tại buổi tham quan, Đoàn đã được PGS. TS Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc trình bày giới thiệu về quá trình xây dựng, hoạt động và những kết quả nổi bật của Viện trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ về tế bào gốc và tế bào miễn dịch.
Ảnh 1: PGS.TS Phạm Văn Phúc (ở giữa, cầm sản phẩm) giới thiệu về công trình nghiên cứu phát triển sản phẩm Cartilatist để ứng dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối và thoái hóa đĩa đệm cột sống
Viện Tế bào gốc tập trung phát triển 4 nhãn hàng chính bao gồm Regenmedlab (Vật tư y tế), Cellatist (Thuốc tế bào gốc), Dermaloka (Mĩ phẩm), Stemfood (Thực phẩm chức năng). Trong đó Regenmedlab là nhãn hàng có nhiều sản phẩm chủ lực đã được đăng kí lưu hành ở thị trường Việt Nam như sản phẩm môi trường nuôi cấy tế bào gốc, môi trường bảo quản tế bào gốc, môi trường biến đổi tế bào gốc và bộ dung cụ phân tách huyết tương giàu tiểu cầu.
Ảnh 2: Đoàn làm việc của Đại học Huế được PGS.TS. Phạm Văn Phúc giới thiệu về nhãn hàng Regenmedlab của Viện Tế bào gốc.
Trong buổi tham quan, PGS.TS Phạm Văn Phúc cũng chia sẻ về quá trình đi từ nghiên cứu đến thử nghiệm lâm sàng và thương mại sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm của Đoàn tham quan. Theo PGS. TS Phúc, để đạt được những thành tựu nổi bật trong quá trình thương mại sản phẩm cần đảm bảo nhiều yếu tố nhưng quan trọng phải đảm bảo 3 yếu tố chính, bao gồm: (1) đúng pháp luật hiện hành, (2) sự đột phá đổi mới sáng tạo của sản phẩm và (3) nắm vững về sở hữu trí tuệ.
Hình 3: Đoàn làm việc Đại học Huế chụp ảnh lưu niệm tại Viện Tế bào gốc.
Với mong muốn tạo ra một sân chơi học thuật cho học sinh, sinh viên và học viên cao học được tự do thể hiện ý tưởng sáng tạo về lĩnh vực tế bào gốc, cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc – STEM CELL INNOVATION đã được tổ chức nhằm giúp tạo sân chơi học thuật, nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo, đột phá nhằm giải quyết các thách thức và vấn đề của cuộc sống.
Cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc – STEM CELL INNOVATION đồng thời là cơ hội dành cho các bạn trẻ yêu thích lĩnh vực tế bào, tế bào gốc học hỏi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, giao lưu với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này. Cuộc thi được kỳ vọng khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học trong giới trẻ, góp phần tích cực vào sự phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo..
Năm nay, lấy cảm hứng từ con số 8 (Cuộc thi lần thứ 8) và biểu tượng của nó: sự vô tận. Cuộc thi Sáng tạo Tế bào gốc – Stem Cell Innovation lần 8, năm 2023 chọn chủ đề “To INFINITY and beyond!” (Đến vô cùng và xa hơn nữa).
Vậy, đến vô cùng và xa hơn nữa mang ý nghĩa gì? Nhân loạiđang đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức; đặc biệt các thách thức trong sức khỏe bao gồm: COVID-19 và các bệnh hậu COVID-19, sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tâm thần, ung thư, đái tháo đường và các bệnh lý về tim mạch… Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta đang từng bướcgiải quyết những thách thức này, đã biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể. Hay nói cách khác, đến vô cùng và xa hơn nữa như để khẳng định: đam mê và sáng tạo của con người là vô hạn, là động lực để đưa chúng ta đạt đến đỉnh cao của mọi dạng thức.
Với chủ đề này, các đội thi tự do lựa chọn đối tượng nghiên cứu, hay phương pháp tiếp cận; tuy nhiên, ý tưởng sáng tạo của đội cần đưa ra những phương án, giải pháp… nhằm giải quyết các thách thức và vấn đề và thách thức của con người phổ biến nhất trong xã hội hiện tại như vấn đề y tế, thực thẩm, thuốc…
Thông báo chính thức và website chính thức về cuộc thi sẽ ra mắt trong tháng 9 tới.
Thực hiện kế hoạch nghiên cứu và đào tạo của Viện Tế bào gốc năm học 2023, các nhóm nghiên cứu thuộc Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM tổ chức tuyển sinh tham gia vào các đề tài, dự án do Viện chủ trì từ năm 2023 theo kế hoạch như sau:
1. Đối tượng tuyển chọn
Sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc tất cả các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước và ngoài nước thuộc các chuyên ngành:
Sinh học thực nghiệm – hướng sinh lý động vật
Di truyền học
CNSH Y dược
Hoặc ngành Y, dược và các ngành liên quan khác.
2. Điều kiện tuyển chọn
Ứng viên tham gia tuyển chọn không được nợ quá 3 tín chỉ tính đến thời điểm tham gia tuyển chọn
Ứng viên tham gia tuyển chọn phải nộp hồ sơ xét tuyển và phỏng vấn trực tiếp với các cán bộ hướng dẫn.
Đảm bảo thời gian học tập và nghiên cứu tại Viện sau khi khi trúng tuyển.
3. Quyền lợi
Được tạo điều kiện học tập, tiến hành các nghiên cứu, thực hiện Khóa luận Cử nhân, Luận văn Thạc sĩ, Luận án Tiến sĩ.
Được Viện chi trả chi phí nghiên cứu bao gồm toàn bộ kinh phí hoá chất, vật tư, cơ sở vật chất thiết bị cho tiến hành nghiên cứu.
Đơn xin tham gia học tập và nghiên cứu tại Viện (tối thiểu 300 từ, tối đa 1000 từ). Trong đó, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh ghi rõ Nhóm nghiên cứu và Hướng nghiên cứu muốn tham gia. Mỗi ứng viên chỉ được chọn 01 nhóm nghiên cứu để tham gia. Danh sách nhóm nghiên cứu ở Phụ lục đính kèm.
Bảng điểm của học kỳ/năm học gần nhất, không cần xác nhận của Nhà trường.
Ý tưởng nghiên cứu (nếu có)
File hình thẻ/hình chân dung nhìn rõ mặt (định dạng .jpg hoặc .png).
5. Thời gian xét tuyển (dự kiến)
Nộp hồ sơ xét tuyển đến hết ngày 31/08/2023
Phỏng vấn trực tiếp: 05 – 15/09 /2023
Thời gian tập huấn: 25 – 29/09/2023
Thời gian vào phòng thí nghiệm: 01/10/2023
6. Số lượng ứng viên tuyển chọn
Sinh viên: 08
Học viên cao học: 04
7. Quy trình tuyển chọn
Sơ tuyển: sau khi nhận hồ sơ, các cán bộ hướng dẫn sẽ chọn những ứng viên đủ điều kiện tuyển chọn.
Phỏng vấn: chỉ những ứng viên trúng tuyển trong đợt sơ tuyển được mời đến phỏng vấn (mời qua email hoặc điện thoại). Các ứng viên không được mời tham gia phỏng vấn xem như bị loại.
Thông báo trúng tuyển và tham gia vào Viện: ứng viên được thông báo trúng tuyển bằng email hoặc điện thoại và tham gia vào Viện theo lịch xét tuyển.
8. Liên hệ
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Cô Tô Hoàng Việt Xuân tại địa chỉ email xuanto@sci.edu.vn.
Chương trình Stem Cell Summer lần 10 -2023 do Viện Tế bào gốc và PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc tổ chức từ ngày 17/04/2023 đến ngày 01/08/2023 đã thu hút gần 1000 lượt đăng kí tham dự đến từ 40 trường THCS, THPT và ĐH trên toàn quốc. Chương trình mang đến cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm về nghiên cứu y sinh học, đặc biệt là tế bào gốc cho dối tượng học sinh, sinh viên trên toàn quốc.
Hình 1: Đoàn trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tp.HCM tham gia chương trình Stem Cell Summer Tour 2023
Với chủ đề “Ươm mầm tri thức”, chương trình Stem Cell Summer Tour năm nay với hình thức đổi mới trong việc giới thiệu, cập nhật các thành tựu nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh trực quan và sinh động hơn. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã tạo nhiều cơ hội tham gia đến với các đối tượng đoàn tham quan và đăng kí cá nhân.
Giới thiệu về Viện Tế bào gốc và các kết quả ứng dụng công nghệ tế bào gốc
Giới thiệu các nhóm nghiên cứu tại Viện Tế bào gốc
Tham quan cơ sở PTN Chăm sóc và Sử dụng Động vật và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển để tìm hiểu về các thiết bị và công cụ được sử dụng trong nghiên cứu
Trực tiếp quan sát tế bào và động vật thí nghiệm trong chuyến tham quan
Với 30 ngày trải nghiệm nghiên cứu, chương trình Stem Cell Summer School mang đến cho các khóa sinh một mùa hè thật ý nghĩa. Trong lần tổ chức thứ 10, chương trình Stem Cell Summer School đã nhận được nhiều sự hưởng ứng từ các nhóm nghiên cứu và các bạn khóa sinh.
Hình 2: Buổi tổng kết chương trình Stem Cell Summer School 2023
Lĩnh vực nghiên cứu đa dạng từ tế bào đến mô hình động vật trong chương trình đã tạo nên sự hứng khởi và kích thích sự tìm tòi của các bạn khóa sinh. Ngày 01.08.2023, buổi tổng kết chương trình Stem Cell Summer School 2023 đã diễn ra nhằm củng cố lại kiến thức mà các khóa sinh đã học được và tạo cơ hội giao lưu giữa các nhóm. Buổi ngoại khóa “Bữa tiệc Stem Cell Summer” thật đặc biệt với nhiều món ăn vừa hấp dẫn vừa sáng tạo là điểm nhất đáng nhớ trong chương trình. Kết thúc chương trình, các khóa sinh đã được cấp giấy chứng nhận và nhiều phần quà hấp dẫn.
Xin chân thành cảm ơn công ty TNHH BCE Việt Nam và công ty TNHH TM DV Kỹ thuật Minh Khang đã đồng hành cùng chương trình Stem Cell Summer lần 10 -2023.
Hình 3: Các khóa sinh tham gia ngoại khóa “Bữa tiệc Stem Cell Summer”
Chương trình Stem Cell Summer 2023 đã trở thành một trong những chương trình hấp dẫn và được yêu thích nhất trong giới học sinh, sinh viên. Hi vọng chương trình sẽ nhận được nhiều sự hưởng ứng và ngày càng phát triển.
Ngày 3-5/8 vừa qua, nhãn hàng Regenmedlab của Viện tế bào gốc đã tham dự triển lãm y dược Medi-Pharm Expo 2023 do Bộ Y Tế chủ trì.
Với hơn 200 lượt đón khách tham quan gian hàng và 50 khách mời tham dự buổi hội thảo chuyên ngành New Era of Stem Cell and Exosome Applications in Regenerative Medicine do PGS. TS. Phạm Văn Phúc trình bày. Triển lãm đã khép lại với nhiều thành công tốt đẹp với nhãn hàng Regenmedlab khi được gặp gỡ, giới thiệu với quý khách tham quan nhiều công nghệ và sản phẩm độc đáo về y học tái tạo của nhãn hàng cũng như hệ sinh thái của Viện tế bào gốc.
Qua đây, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn hơn 200 khách tham quan gian hàng sản phẩm của Regenmedlab. Hy vọng với những lần gặp gỡ tiếp theo chúng tôi có thể mang lại cho quý khách hàng thật nhiều công nghệ và sản phẩm chất lượng và độc đáo hơn nữa.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ Viện tế bào gốc:
Liệu pháp tế bào miễn dịch là một dạng điều trị mà sử dụng tế bào miễn dịch của hệ miễn dịch để tấn công loại bỏ tế bào ung thư. Các chiến lược này liên quan đến việc thu nhận máu ngoại vi để tách lấy tế bào miễn dịch và sau đó trải qua quá trình tăng sinh chúng trong phòng thí nghiệm, hay có thể biến đổi chúng để tăng cường khả năng tấn công tế bào ung thư trước khi tăng sinh. Điều này được tiến hành là vì vốn dĩ tế bào miễn dịch có đặc tính nhận diện và loại bỏ các tế bào bị tổn thương, bị nhiễm virut… mà có thể trở thành tế bào ung thư. Trong số các tế bào miễn dịch có thể thực hiện chức năng này, tế bào lympho T và tế bào diệt tự nhiên NK là 2 tế bào được quan tâm nhiều nhất.
Các tế bào lympho T là những tế bào miễn dịch mạnh mẽ, chúng có thể nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư thông qua việc nhận diện các dấu hiệu của tế bào ung thư. Tuy nhiên, không phải ở tất cả bệnh nhận, các tế bào T đều có thể nhận diện tế bào ung thư. Do đó, trong thời gian gần đây, nhiều cách tiếp cận đã theo hướng sử dụng tế bào T biến đổi để nhận diện tế bào ung thư thông qua việc gắn thêm receptor trên bề mặt (gọi khảm receptor hay receptor kháng nguyên khảm – CAR). Ở cách tiếp cận này, các tế bào T sẽ được thu nhận từ bệnh nhân, sau đó được chuyển gen và biểu hiện gen cho receptor lên bề mặt tế bào. Việc làm này giúp tế bào T dễ dàng nhận diện tế bào ung thư. Bằng cách này hàng loạt các quy trình kĩ thuật điều trị ung thư đã được cấp phép ở Mĩ và một số quốc gia khác như bên dưới:
Axicabtagene ciloleucel (Yescarta®): khảm CD19, điều trị lymphoma
Brexucabtagene autoleucel (Tecartus™): khảm CD19, điều trị lymphoma và leukemia
Ciltacabtagene autoleucel (Carvykti™): khảm BCMA điều trị myeloma
Idecabtagene vicleucel (Abecma™): khảm BCMA điều trị myeloma
Lisocabtagene maraleucel (Breyanzi®): khảm CD19 điều trị lymphoma
Tisagenlecleucel (Kyrmriah®): khảm CD19, điều trị lymphoma và leukemia
Tuy nhiên, việc điều trị bằng CAR-T còn nhiều hạn chế như chi phí điều trị cao (từ 7 tỉ đồng đến 25 tỉ đồng cho một liệu trình (tại Mĩ)) và tác dụng phụ của điều trị lớn. Do đó, các nhà khoa học vẫn phải tìm kiếm các liệu pháp tế bào khả thi hơn trong điều trị và hỗ trợ điều trị ung thư.
Trong cơ thể người có một số loại tế bào miễn dịch khác vẫn có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư mạnh mẽ nhưng tồn tại lượng rất thấp (một số là rất hiếm) là tế bào diệt tự nhiên NK, tế bào diệt tự nhiên có đặc tính tế bào T (NKT) và tế bào T gamma delta. Những tế bào này nếu được phân tách và tăng sinh lượng lớn thành công, chúng sẽ trở thành công cụ hữu hiệu trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư. Đã có hàng nghìn nghiên cứu đã xuất bản về việc nghiên cứu các tế bào này từ cơ chế điều trị, đến hiệu quả điều trị in vitro, trên động vật và trên người từ khắp nơi trên thế giới.
Mặc dù triển vọng lớn, các liệu pháp tế bào miễn dịch NK, NKT/CIK, Gamma delta T vẫn gặp những thách thức lớn trước khi thực sự trở thành liệu pháp được chọn lựa để hỗ trợ điều trị và điều trị cho bệnh nhân ung thư bao gồm: (1) chi phí điều trị cao, (2) hiệu quả điều trị ít ổn định.
Để giải quyết những thách thức lớn trên, Viện Tế bào gốc đã phát triển các giải pháp toàn diện cho liệu pháp tế bào miễn dịch trong hỗ trợ điều trị và điều trị ung thư từ việc phân tách tế bào miễn dịch từ máu ngoại vi đến tăng sinh và hoạt hóa tế bào. Viện đã phát triển thành công 4 quy trình công nghệ để có thể phân lập và tăng sinh tế bào miễn dịch gồm: quy trình phân lập tăng sinh tế bào NK, quy trình phân lập, cảm ứng và tăng sinh tế bào CIK, quy trình phân lập, tăng sinh và hoạt hóa tế bào gamma delta T và quy trình phân lập, cảm ứng tế bào tua (dendritic cell).
Các quy trình được tối giản các bước, dễ tái lập, dễ thực hiện, thu hoạch sản lượng tế bào cực lớn (đến hàng tỉ tế bào), hoạt lực tế bào mạnh mẽ. Quy trình không sử dụng bất kì protein từ động vật nào cho nên đáp ứng tốt các yêu cầu khắc khe cho chế phẩm sinh học sử dụng trên người.
Viện Tế bào gốc mời gọi các bạn có quan tâm đến công nghệ tế bào miễn dịch phục vụ cho lâm sàng đến trao đổi trực tiếp với đội ngũ chuyên gia sản phẩm của chúng tôi tại Booth B163, Trung tâm Triển lãm SECC, Quận 7, Tp.HCM từ ngày hôm nay (4/8/2023) đến hết ngày mai (5/8/2023); hoặc liên hệ trực tiếp tới Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM, khu phố 6, Linh Trung, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh qua email: contact@sci.edu.vn